Thu xếp cuộc sống của bố mẹ già như thế nào cho trọn vẹn chữ "hiếu" là bài toàn đau đầu của rất nhiều người. Sẽ có người chọn sống chung nhà, sống gần bố mẹ hay sống xa nhau nhưng gửi tiền về thuê người chăm sóc hoặc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão. Theo tôi, không có lựa chọn nào là đúng hay sau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà lựa chọn phương án nào đem lại sự thoải mái nhất cho cả con cái và cha mẹ.
Là người đang làm tròn vai trò người con, người cha, người ông của ba gia đình, tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm của mình, mong giúp được ít nhiều cho các bạn đang trăn trở về vấn đề này:
Trước năm 2000, bố mẹ tôi bị bệnh, ốm đau liên miên, nên tôi muốn đưa ông bà vào Nam để chữa bệnh và tiện phụng dưỡng. Nhưng ông bà thương con, sợ phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi nên nhất quyết không chịu. Tôi đành thuê người giúp việc để chăm sóc cha mẹ già ở xa, nhưng không ai ở nổi vài tháng vì các cụ ốm đau, tính tình rất khó.
Vậy là tôi cứ phải chạy đi chạy lại giữa hai miền Nam - Bắc để tự tay chăm sóc ông bà. Phương tiện đi ngày ấy cũng rất khó khăn, trong khi vợ tôi lại mới mổ tim, cũng phải được ưu tiên chăm sóc. Hai con tôi lúc ấy còn nhỏ, bản thân tôi cũng mới bắt đầu khởi nghiệp, công việc bộn bề.
>> Chữ 'hiếu' ngăn tôi đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão
Khi bố tôi phát hiện bị bệnh ung thư giai đoạn ba, ở quê không đủ điều kiện chữa trị, bố mới chịu vào Sài Gòn ở cùng tôi. Hai năm sau, tôi lại phải cùng một bác sĩ từ Sài Gòn mang cả va ly thuốc cấp cứu bay ra để đưa mẹ từ bệnh viện Thanh Hóa vào thẳng bệnh viện Đại học Y Dược. Bảo hiểm trái tuyến, thuốc đặc trị giá rất cao, chưa kể tiền đi lại tái khám, hóa trị bốn tuần một lần... chúng tôi thực sự rất áp lực.
Qua một thời gian dài, bố mẹ mới đồng ý cho chuyển khẩu và bảo hiểm y tế vào TP HCM, nhưng dứt khoát chỉ ở với gia đình tôi, không ở riêng bên ngoài, dù tôi mua nhà đứng tên hai cụ ngay sát vách nhà mình. Anh chị em tôi cũng không ai ở được với bố mẹ già vài ngày, các cụ xác định sống không còn lâu nữa nên tính khí càng thất thường. Thế nhưng, dần dà, con cháu đông đúc, được chăm sóc tốt, nên bố mẹ cũng thay đổi, cởi mở, phóng khoáng lên rất nhiều, bệnh tình cũng thuyên giảm, cuộc sống yên vui trở lại, tuổi thọ cũng dài thêm.
Mẹ tôi mất khi bà 93 tuổi. Đã bốn năm trôi qua mà tôi vẫn hụt hẫng, bùi ngùi, tiếc rằng trước đây tôi không thể nghỉ làm việc để chăm sóc mẹ tốt hơn. Bố tôi hiện vẫn minh mẫn, vui vẻ, yêu đời dù đã 99 tuổi và mang trong mình trọng bệnh. Ông hiện là một trong những bệnh nhân lâu năm nhất của bệnh viện Đại học Y Dược.
Bây giờ, hai con tôi đều ở riêng, nhưng tôi khẳng định chúng rất có hiếu. Vợ chồng tôi hạnh phúc vì điều đó. Các thế hệ trong gia đình chúng tôi chưa bao giờ tạo áp lực cho nhau, luôn sát sao, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, có việc gì lớn cũng đều trao đổi, nhưng không bao giờ can thiệp vào quyết định của nhau, dù đó là bố mẹ hay con cái.
Hàng tuần, chúng tôi lại gặp mặt, đi nhà hàng, thay phiên nhau trả tiền. Ngay cả sinh nhật vợ tôi, tất cả bánh, hoa đều do tôi trả tiền, còn bữa tiệc được con chiêu đãi, hoàn toàn dân chủ. Chúng tôi có nhóm chat gia đình để hàng ngày trao đổi các vấn đề trong cuộc sống cho nhau. Các ngày lễ, Tết dài ngày, kể cả Tết Âm lịch, gia đình các con và vợ tôi đều tranh thủ đi du lịch, không có mặt ở nhà, dù tôi còn bố và bàn thờ tổ tiên, chúng tôi coi đó là điều bình thường. Bố mẹ hai bên đều do tôi chịu trách nhiệm chính, các con tôi cần lo cho con cái của chúng, có như vậy mới xây dựng tốt được gia đình nhỏ của mình.
Một chi tiết nhỏ xin kể cùng các bạn, đó là khi tôi đột quỵ, phải đặt stent tại Bênh viện Chợ Rẫy, các con tôi, cả dâu lẫn rể, đều đến thăm nom. Vì vướng cuối tuần, tôi phải nằm thêm ba ngày nữa để chờ bảo hiểm. Các con đã tự cùng nhau thanh toán hơn 100 triệu tiền viện phí để tôi ra viện ngay. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ của con cái là bố mẹ đã hạnh phúc như vậy đấy.
Trong cuộc sống, nhất là khác thế hệ bao giờ cũng có bất đồng, mâu thuẫn, dù là bố mẹ, con cái, hay cháu chắt. Nếu không biết chấp nhận khác biệt, tôn trong nhau, thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể chia sẻ và thấu hiểu nhau được.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.