Qua bốn trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, một điều rất rõ có thể nhận thấy đó là hình ảnh hàng phòng ngự chặt chẽ, thi đấu kỷ luật trước đây của chúng ta đã không còn được giữ vững. Các học trò của HLV Park Hang-seo vẫn tập trung rất đông người ở khu vực sân nhà trong các trận đấu đã qua, nhưng chúng ta không thể kèm sát đối phương mỗi khi đối thủ có bóng và triển khai tấn công.
Những pha bóng chúng ta để lọt tiền đạo của đội bạn hay để đối thủ thoải mái dứt điểm trước khung thành trong tư thế không ai kèm xuất hiện ngày một nhiều. Bàn thua đầu tiên trước Oman cũng là một tình huống như vậy, khi Việt Nam có tới bốn cầu thủ trong điểm nóng, nhưng tất cả chỉ đứng nhìn Al Sabhi thoải mái tung người móc bóng ghi bàn gỡ hòa.
Thực ra, ngay từ hai trận giao hữu với tuyển U22 Việt Nam ở đợt tập trung trước đó, tôi đã không còn thấy sức mạnh hàng thủ vốn làm nên thương hiệu của ĐT Việt Nam dưới thời ông Park và đã rất lo cho công tác chuẩn bị trước Vòng loại lần này. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy khi đội bóng của chúng ta để thua cả bốn trận, nhận 10 bàn thua và xếp cuối bảng đấu của mình.
>> 'Xe buýt hai tầng' của ông Park
Vậy vì sao chiến thuật phòng ngự phản công của Việt Nam hiện nay không còn hiệu quả như trước?
So sánh tương quan lực lượng hàng hậu vệ của chúng ta thời điểm này so với cách đây hai năm, chúng ta có thể thấy chất lượng cầu thủ đã kém hơn nhiều, do hàng loạt trụ cột bị chấn thương như Quế Ngọc Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Trọng Hoàng... Trong khi đó, để áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công có hiệu quả, đòi hỏi hàng phòng ngự phải kèm người thật chặt chẽ, đánh chặn ngay từ trung lộ, hạn chế tối đa các tình huống để đối phương áp sát khu vực 16m50, tránh phạm lỗi ở khu vực này cũng như tránh bị phạt góc quá nhiều.
Bên cạnh đó, việc cố gắng giữ bóng và phản công ngay từ đầu trận, cũng là chiến thuật giúp hạn chế sức tấn công của đối phương, hỗ trợ cho hàng phòng ngự có thời gian hồi sức sau các đợt tấn công liên tiếp của đối thủ. Nếu chúng ta cố chơi chịu trận, chờ đến 15-20 phút cuối mới thay người nhằm tổ chức phản công thì cơ hội giành chiến thắng là rất mong manh, điều đó chỉ nên áp dụng khi chúng ta vẫn giữ được tỷ số hòa.
Còn nếu đã để đối phương vươn lên dẫn trước, không còn cách nào khác, chúng ta phải thay đổi lối chơi ngay để tìm kiếm bàn gỡ. Trong trường hợp bị dẫn trước với cách biệt lớn và đối phương tổ chức phòng thủ chặt chẽ ở khu trung lộ thì khả năng gỡ hòa gần như rất ít.
>> 'Giữ HLV Park để tránh vết xe đổ Thái Lan'
Như vậy, tính chất của chiến thuật phòng ngự phản công phải được áp dụng xuyên suốt cả trận đấu và các cầu thủ phải tận dụng triệt để từng cơ hội mà mình có được. Còn nếu để đến gần cuối trận mới bung hết sức để phản công thì chẳng khác nào chơi đua sức, cầu may, mong chờ vào việc thể lực của đối phương đã suy giảm để tìm kiếm cơ hội. Thực ra, đây không phải là chiến thuật phòng ngự phản công một cách chuẩn mực như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Do vậy, sau các trận thua liên tiếp vừa qua, tôi cho rằng Ban huấn luyện cần xem kỹ lại băng ghi hình để rút ra những bài học cho sáu trận còn lại. Hơn lúc nào hết, toàn đội phải giữ cái đầu lạnh và tính kỷ luật chặt chẽ như những gì đã làm trước đây thì mới hy vọng có thể giành điểm ở giải đấu này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.