Ở bài viết trước 'Tư duy VFF quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam', tôi có đề cập đến việc phải để cho CLB tự hạch toán tài chính. Bài này tôi sẽ nói sâu hơn về vấn đề này.
1. Muốn có bản quyền truyền hình, quảng cáo, vé, bán đồ lưu niệm, thức ăn vặt, đồ uống không có cồn, CLB phải sở hữu ít nhất một sân vận động để làm nơi thi đấu. Nói ít nhất vì mỗi CLB thường có đội một, đội trẻ, đội U, cần có nhiều sân cho các đội này tập luyện và thi đấu. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có CLB nào sở hữu sân bóng. Hầu hết các sân bóng là thuộc sở hữu Nhà nước, do các Sở TDTT tỉnh quản lý. Sân không phải của CLB thì chất lượng mặt sân cũng "thượng vàng hạ cám", khiến cho các trận đấu của giải V-League không đạt chuyên môn lẽ ra nên có.
Để có thể sở hữu sân bóng cần tư nhân hóa. Đây là vấn đề lớn cần đưa ra xem xét. Nhà nước chỉ nên quản lý những sân lớn, gọi là sân vận động quốc gia (những sân có đường pitch), không nên "ôm" hết các sân vì sẽ không đủ kinh phí duy tu, bảo trì.
2. Chúng ta có 63 tỉnh thành, hà cớ gì không thành lập 63 CLB? CLB nào chưa có ông bầu thì Nhà nước kiêm luôn, tổ chức hoạt động thông suốt rồi bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhiều người mua cổ phiếu sẽ tạo thành cổ đông, cổ đông bầu ra hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị chính là ông bầu. CLB có tài sản "cứng" là sân bóng, các trang thiết bị luyện tập..., tài sản "mềm" là thương hiệu được tạo dựng bởi thành tích thi đấu. CLB có thành tích yếu kém, kinh doanh thua lỗ thì ông bầu bán lại CLB trên thị trường chứng khoán. Lợi nhuận kinh doanh từ bóng đá có thể được dùng để sửa chữa, duy tu, bảo trì, nâng cấp sân cỏ - hao phí gấp nhiều lần so với việc mua bán cầu thủ.
Đơn cử, chi phí bảo trì mỗi m2 mặt sân đúng chuẩn quốc tế xấp xỉ 200 nghìn đồng/ năm (tức là vài triệu đôla mỗi năm), chưa kể chi phí cho khán đài, dàn đèn chiếu sáng ban đêm, mái che, bảng điện tử cho quảng cáo, đường pitch để cầu thủ tập điền kinh duy trì và nâng cao thể lực, các trang bị vật lý trị liệu để phục hồi chấn thương... Khi chưa có nhiều tiền thì hạ thấp tiêu chuẩn xuống (chỉ cần mặt sân bằng phẳng là được, cỏ chỗ dày chỗ mỏng cũng tạm chấp nhận).
3. Với 63 CLB, chúng ta có thể thành lập ba hạng đấu chuyên nghiệp, một hạng của đội trẻ U23, một của U19. Lưới tuổi dưới U19, CLB có thể liên kết với các trường phổ thông ở địa phương, tự tạo thành các giải đấu học đường nhằm tuyển chọn và bồi dưỡng cầu thủ. Với năm hạng như vậy, mỗi ông bầu nhiều nhất chỉ sở hữu hai CLB, một hạng chuyên nghiệp và một đội trẻ. Từ đây, tên tuổi của CLB gắn liền với địa phương nơi CLB sở hữu sân cỏ, dù có thay đổi ông bầu xoành xoạch thì cái tên vẫn không đổi. Các giải bóng đá học đường không phải chỉ để CLB tuyển chọn cầu thủ trẻ mà còn là nơi đào tạo ra một tầng lớp khán giả mới – biết xem bóng đá, biết bình luận chuyên môn.
4. Vấn đề trọng tài luôn là vấn đề muôn thuở. Chẳng riêng gì ở Việt Nam, tại phương Tây vấn đề này còn căng hơn vì nó trực tiếp quyết định kết quả cá cược của họ. Để xoa dịu khán giả, FIFA buộc phải đem VAR vào sân dù vẫn cho trọng tài toàn quyền quyết định, bất kể có xem VAR hay không? Vấn đề của chúng ta không phải là VAR mà là tiêu chuẩn nào để đánh giá chất lượng trọng tài.
Tôi đề nghị lập bảng xếp hạng trọng tài. Trọng tài phạm một lỗi bắt sai thì trừ một điểm. Như vậy, trọng tài ít bị điểm trừ hơn sẽ xếp trên. Với năm hạng đấu, trọng tài xếp hạng càng thấp thì càng phải bắt những trận hạng thấp. Lương bổng của trọng tài phụ thuộc vào giá vé và số lượng vé trên sân (hạng càng cao giá vé càng cao, số lượng vé bán ra càng nhiều). Bảng xếp hạng này cũng phải minh bạch trước khán giả để tránh tiêu cực. Chúng ta xem bóng đá khu vực và châu lục, rất ít khi thấy trọng tài Việt Nam cầm còi. Trước đây, chúng ta còn có một trọng tài lọt vào danh sách trọng tài FIFA, còn bây giờ... có ai?
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Công Phượng đi Tây và văn hóa 'hạng nhì' của bóng đá Việt
>> Tuyển thủ quốc gia đi Tây dự bị - 'bóng đá xây nhà từ nóc'
>> VFF thiếu tiền và chuyện làm thể thao kiểu 'ăn xổi' ở Việt Nam
Bóng đá chuyên nghiệp là dùng bóng đá để nuôi bóng đá. Muốn chuyên nghiệp, muốn tự hạch toán thì CLB phải có tài sản và tài sản ấy phải có tính thanh khoản. Khi CLB có tài sản thì chuyện làm thế nào để khán giả bỏ tiền ra mua vé đến sân xem bóng đá, họ phải tự vắt óc mà nghĩ ra. Kinh doanh là phải có mua, có bán. Có hàng mà không biết bán hoặc hàng quá tệ, bán chẳng ai mua thì làm sao gọi là kinh doanh?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.