(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi không nghĩ đến lại có người đánh giá thấp môn Văn như vậy. Ở các quốc gia phát triển, người ta không thi các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ vì bạn thi vào ngành nào bạn buộc phải giỏi môn học có liên quan (đã được chứng minh bằng điểm thi tốt nghiệp PTTH). Còn môn Luận Văn trong thi đầu vào đại học không phải để kiểm tra trình độ viết luận của bạn. Môn này được dùng để thăm dò kinh nghiệm xã hội của bạn. Công tác xã hội là muôn hình vạn trạng, làm xong luôn có giấy chứng nhận có làm công tác xã hội đó.
>> Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần
Thi Luận Văn là người ta muốn biết bạn có làm công tác xã hội liên quan đến chuyên ngành mà bạn thi vào hay không và bạn rút ra được kinh nghiệm bài học gì từ những công tác đó.
Môn Văn đi theo bạn bất kể bạn làm nghề gì có liên quan đến nghiên cứu, điều hành, quản lý kinh tế, kỹ thuật hay khám chữa bệnh chứ không phải chỉ có những ngành thuộc về khoa học xã hội. Viết đề cương, dự thảo cho một kế hoạch, một dự án, báo cáo khoa học, báo cáo công tác, đề xuất ý kiến, phản biện, lên quy trình gì đó, bạn phải giỏi văn để giải thích, phân tích, biện luận, chứng minh cho cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới hiểu. Nếu chỉ thuần túy có số liệu, công thức, biểu đồ thì ai hiểu được dù người đọc cũng có bằng cấp giống y như của bạn.
Rồi bạn đề nghị, yêu cầu, đòi hỏi phải cung cấp cái này cái kia để bạn làm việc bạn cũng phải giải thích rõ lý do – sự cần thiết phải có những thứ đó để làm việc. Lý do chung chung, mơ hồ, không hợp lý ai chịu duyệt. Khi còn làm việc trong công ty Nhà nước, tôi gặp rất nhiều những "giấy đề nghị" có hình thức như sau:
Căn cứ vào điều khoản luật pháp, điều khoản dưới luật gì đó (chiếm hết nửa trang giấy). Đề nghị cấp trên cung cấp cho tôi thứ gì đó (một dòng). Lý do tôi cần cái đó để làm việc gì đó (một dòng). Xong. Những cái giấy đề nghị này chẳng khác gì đánh đố cấp trên.
Nếu là công ty nước ngoài, giấy đó chắc chắn sẽ bị cấp trên vứt vào sọt rác và bạn có nguy cơ nằm trong danh sách bị sa thải vì không biết cách làm việc.
Chuyên ngành của bạn là kỹ thuật thì bạn không cần giỏi Văn? Bạn nhầm to. Bạn phải giải thích tỉ mỉ cho cấp trên vì sao phải thay linh kiện này đúng hạn để máy móc không xảy ra sự cố không biết trước dẫn đến thiệt hại kinh tế ngoài ý muốn.
Khi bạn lên quy trình bảo dưỡng sửa chữa gồm nhiều bước, bạn phải giải thích từng bước, bước nào có chức năng gì, vì sao bước này phải đứng trước (hoặc sau) bước kia, nếu nhảy cóc bỏ qua bước nào đó sẽ xảy ra hậu quả gì...Vô số vấn đề nha bạn.
Đó là chưa kể người ta sẽ đem quy trình ấy ra cho các bộ phận khác phản biện nếu một bước nào đó có liên quan đến công việc của họ. Nhiều quy định, nguyên tắc làm việc ở Việt Nam chồng chéo dẫm chân lên nhau vì thiếu cái đoạn giải thích và phản biện này.
Nếu tranh luận một cái quy trình mới thay cho quy trình cũ, bạn phải nêu bật được tính hiệu quả của quy trình mới ở chỗ nào, làm lợi - quy ra tiền, thời gian, sự tiện dụng - ra sao. Không giỏi Văn cứ gọi là ngọng dù cho nhiều khi cái lý, cái đúng đứng về phía bạn. Nước ngoài rất nghiêm khắc chỗ này. Chưa thông qua, ai cũng có quyền tranh luận hết nước hết cái. Thông qua rồi thì mọi người đều phải nghiêm túc thi hành.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói "khoa học xã hội phải luôn đi trước một bước dọn đường cho khoa học tự nhiên phát triển". Nội cái chuyện bằng lái 17 hạng thôi đã đủ hiểu khoa học xã hội của ta "tiến bộ" như nào – chưa thấy cơ quan chức năng nói ra được nó hơn hệ thống cấp bằng cũ ở chỗ nào, người dân được lợi gì.
Anh nào đề xuất thì cứ đề xuất còn phân tích, giải thích, chứng minh, biện luận, chống phản biện thì làm thinh. Cứ cái kiểu đưa ra chính sách luật như này thì bao giờ luật mới khả thi, mới được mọi người ủng hộ, tự nguyện tự giác chấp hành ?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm