Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới trong việc chỉ đạo ra đề thi môn Văn ở các lớp cuối cấp, đặc biệt là lớp 10 và lớp 12, trong đó yêu cầu cấu trúc đề thi cơ bản có hai phần: đọc hiểu và làm văn. Từ năm học 2023, Bộ cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi đọc hiểu và viết, để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh học thuộc lòng hoặc sao chép bài văn mẫu có sẵn.
Gần đây, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng có xu hướng ra đề thi môn Văn theo trào lưu, mà giới trẻ thường gọi là "bắt trend" đối với các vấn đề, hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện cần phải được xem xét, phân tích, đánh giá một cách khoa học và nghiêm túc, cả mặt lợi ích và hạn chế.
Trước hết, không thể phủ nhận, cách ra đề thi mở sẽ tạo được nhiều hứng thú cho học sinh làm bài. Đặc biệt, nếu đề thi lại lồng ghép những ca khúc, những thần tượng mới nổi, những câu chuyện trending... sẽ dễ tạo cho học sinh cảm thấy gần gũi với cuộc sống hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những đề thi sáng tạo có tính giáo dục cao, cũng còn nhiều đề thi lạm dụng tràn lan các hiện tượng tiêu cực, các hành vi phản cảm, hoặc những lời bài hát theo dòng thị trường để lồng ghép vào đề Văn nghị luận xã hội, gây phản ứng trái chiều.
Những kiểu ra đề thi như vậy sẽ dẫn đến phản tác dụng với giáo dục nói chung và đối với vai trò và ý nghĩa của môn Văn nói riêng. Bởi đích đến của Văn học là thông qua các tác phẩm đã được chọn lọc trong sách giáo khoa, hoặc những tấm gương sáng ngoài đời sống đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho đất nước và có ý nghĩa để lớp trẻ noi theo cần được tuyên truyền, giáo dục, giúp con người hướng tới chân, thiện, mỹ, chứ không nên theo trào lưu, các hiện tượng mạng xã hội nhất thời hoặc tiêu cực ngoài xã hội.
>> Ranh giới sáng tạo - lố lăng trong đề thi Văn
Qua theo dõi việc ra đề thi môn Văn mấy năm gần đây, tôi thấy các địa phương đã có sự đổi mới căn bản để phù hợp với độ tuổi, yêu cầu cải cách giáo dục và cũng đã tiếp thu những phê bình, đóng góp chân thành của các nhà khoa học, của những nhà chuyên môn có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề lắng nghe ý kiến cũng cần phải xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng hơn, tránh hiện tượng cứ nghe dư luận phê phán, tranh cãi nhiều về một vài vấn đề, một vài sự kiện nào là lập tức tìm cách để đưa vào đề thi, mà không xem xét, phân tích, đánh giá đúng sai, cái hay, cái đẹp đến đâu?
Tôi cho rằng, đổi mới việc ra đề thi là cần thiết, nhưng không nhất thiết và bắt buộc phải đổi mới bằng được. Bởi lẽ, cùng một vấn đề, cùng một sự kiện, cùng một tác phẩm, nhưng có nhiều thế hệ học sinh sẽ có nhìn nhận khác nhau, nhiều đối tượng đánh giá khác nhau. Thế nên, đề thi hoàn toàn có thể lặp lại. Vấn đề cốt lõi là khâu ra đề thi phải đảm bảo an toàn tuyệt mật, tránh lộ, lọt.
Không hiểu từ bao giờ mà các thế hệ học sinh cứ truyền tai nhau rằng tác phẩm văn học này, tác giả nọ, hiện tượng xã hội kia... năm ngoái thi rồi, thì năm nay sẽ bỏ không thi nữa, không cần học. Đấy là suy nghĩ sai lầm, bởi những tác phẩm, tác giả đó có́ thể sẽ được ra đề ở nhiều góc độ khác nhau. Hoặc giả sử cùng một đề năm nay thi, sang năm vẫn có thể dùng lại được. Bởi mỗi thế hệ khác nhau sẽ có một tư duy phân tích khác nhau, tùy vào bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đó cũng là cách để chúng ta đánh giá được mặt bằng học sinh giữa các năm, tránh học tủ hay trúng đề.
Gần đây, các đề văn nghị luận xã hội thường bám sát vào các hiện tượng nổi bật trong năm để yêu cầu học sinh thể hiện suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, xu hướng này đôi khi lại đi chệnh khỏi mục đích giáo dục cái hay, cái đẹp. Thay vào đó, một số đề thi lại lạm dụng các hiện tượng, nhân vật phản cảm, hay như các trào lưu nhất thời, ca khúc thị trường... Thậm chí, có những đề thi kể lan man những câu chuyện không mang tính giáo dục, hoặc vấn đề quá lớn với lứa tuổi học sinh rồi bắt các em cảm nhận và trình bày. Điều đó làm giảm đi chất lượng thi cử.
Văn học có tính giáo dục, hướng con người đến nâng cao đạo đức, lối sống, hướng tới giá trị tốt đẹp giúp con người hình thành nhân cách tốt đẹp, qua đó góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Vậy nên chăng, cần ra đề thi nghị luận xã hội bám sát các tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác để giúp học sinh cảm nhận được giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Hoặc đối với phần nghị luận văn học, có thể dùng chính những tác phẩm văn học đã được học để trình bày quan điểm của mình về tác phẩm đó, hoặc một khía cạnh của tác phẩm đó. Có vô số khía cạnh để khai thác trong một tác phẩm để ra đề thi. Đề thi Văn cần chú ý đến ngữ liệu nghiêm túc, chú trọng vào tính học thuật hơn là một ca khúc đang gây "bão" cộng động mạng và ý nghĩa của những ca khúc đó không đủ giá trị để học sinh cảm nhận và phân tích.
Điểm qua lại một vài đề thi của các tỉnh trong những năm gần đây, tôi thấy nổi lên hiện tượng lồng ghép các vấn đề xã hội để đưa vào đề thi. Đây là việc làm đổi mới, phù hợp với thực tiễn. Song việc trích dẫn ngữ liệu cũng cần phải cân nhắc.
Trong kho tàng văn học Việt Nam có hàng ngàn tác phẩm của các tác giả lớn để làm ngữ liệu cho việc ra đề thi môn Văn. Hy vọng trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ kiểm soát và thắt chặt khâu ra đề thi, tránh tình trạng chạy theo trend như vừa qua, để mỗi một tác phẩm văn học thực sự trở thành một thông điệp và ý nghĩa, nhân văn, mang đến những bài học đạo đức, lối sống cho thế hệ tương lai.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.