Bệnh nhân Võ Văn Sương (56 tuổi, quận 12, TP HCM) được chẩn đoán thận phải có nang, kích thước tương đương đầu ngón tay cái từ năm 2000. Thời điểm đó, bác sĩ khuyến cáo phẫu thuật xử lý nang thận nhưng ông chần chừ, tự theo dõi tại nhà. Cơn đau thận của ông tái phát lại ngay trong những ngày TP HCM bước vào đợt dịch thứ 4 nhưng ông không nhập viện vì lo ngại nhiễm Covid-19.
Vừa qua, ông Sương nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lạnh run, đau hông dữ dội... Đặc biệt, vùng hông lưng bên phải của bệnh nhân sưng rất to. Ông Sương cho biết một ngày trước khi nhập viện, ông vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ cảm thấy một vài cơn đau âm ỉ. Tuy nhiên, càng về đêm cơn đau càng tăng dần.
Qua các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhân có khối nang thận choán chỗ khoang sau phúc mạc, vị trí hố thượng thận phải, kích thước 10x15,6x16,5 cm. Nang thận đã bị nhiễm trùng.
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, đánh giá tổn thương phức tạp này gây chèn ép, đẩy thận phải của người bệnh ra phía trước, xuống dưới. Giải pháp là chọc hút dẫn lưu dịch từ nang thận để giải áp và bớt nhiễm trùng, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt. Khi tình trạng nhiễm trùng tạm thời được kiểm soát, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt nang để xử lý triệt để nang thận cho người bệnh.
Ban đầu, bệnh nhân được phẫu thuật thám sát theo phương pháp nội soi. Tuy nhiên, qua thám sát, các bác sĩ nhận thấy nang sau phúc mạc dính chặt thành một khối, kích thước lớn khoảng 15 cm, vách dày nghi là u nên phải tiến hành mổ mở.
Khi tiếp cận khối bướu to dạng nang này, bác sĩ thấy có nhiều mô hoại tử, dịch màu nâu đục. Khối u phát triển qua nhiều năm nên dính chặt vào thành bụng, vỏ nang nằm sâu trong gan phải, dẫn đến việc bóc tách rất khó khăn, gây chảy máu nhiều. Trải qua 5 giờ phẫu thuật, tiếp 5 đơn vị máu (khoảng 1 lít máu), khối u đã được bóc tách trọn vẹn và chuyển cho bộ phận xét nghiệm nhằm đánh giá về giải phẫu bệnh.
"Tôi thấy mình hồi phục khoảng 70%, huyết áp ổn định, người tỉnh táo, bắt đầu tập đi lại để cơ thể nhanh hồi phục", ông Sương chia sẻ sau ca mổ vài ngày.
Theo Phó giáo sư Chuyên, u (bướu) thận là một trong những bệnh lý phức tạp, nguy hiểm. U thường có kích thước trên 3 cm, nằm ở hai cực của thận. Ba triệu chứng điển hình của bướu thận gồm: tiểu máu, đau tức vùng hông lưng và có khối u ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, bệnh lại có biểu hiện rất mơ hồ như sốt nhẹ, sụt cân, thiếu máu, dễ mệt... nên người bệnh thường dễ bỏ qua hoặc được chẩn đoán nhầm. Đến khi có các dấu hiệu di căn như hạch thượng đòn, gan lớn, phù hai chân... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều trị phức tạp, mất nhiều thời gian và hiệu quả không cao.
Phó giáo sư Chuyên khuyên người bệnh nên xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa rượu bia, giảm căng thẳng, tập luyện thể thao. Mọi người nên tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng, hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ, nhất là với người trên 40 tuổi. Khi có dấu hiệu bất thường, phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn kịp thời. Để tránh các bệnh lý và biến chứng nguy hiểm như suy thận, ung thư thận... nên thường xuyên tầm soát chức năng thận để bảo vệ sức khỏe của cơ quan này.
Anh Thái