Chứng kiến nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến chó dữ cắn người trong nhà thời gian gần đây, tôi cho rằng dù chủ nuôi có ý thức huấn luyện, dạy dỗ vật nuôi đến mấy thì giống chó vẫn đóng vai trò rất quan trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn.
Tôi là một người nuôi chó từ nhỏ đến lớn, rất yêu chó, mèo và động vật nói chung. Thế nhưng tôi vẫn cực kỳ ghét việc nuôi pitbull trong nhà. Tôi để ý thấy những người nuôi pitbull thường chia làm hai kiểu: một là những người không biết gì, cứ thấy con vật khi còn bé xinh xinh, ngộ ngộ là mang về nuôi, để rồi đến khi chúng lớn lên, không dạy được cũng không vứt được; kiểu thứ hai là những người thích nuôi pitbull để khoe mẽ, chứng tỏ mình oai hơn người.
Pitbull vốn được nhân giống nhằm mục đích để chọi chó. Người ta thường huấn luyện thể lực, sức chiến đấu, rồi để chúng cắn xé nhau, giống như cách nuôi gà chọi, trâu chọi. Tất nhiên, đã là nuôi chó thì giống nào cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh khó lường, chuyện chó đột nhiên tấn công người cũng không phải chuyện hiếm, ngay cả với những giống chó nhỏ, vốn tính hiền lành.
Nếu bạn bị tấn công bởi một con chó nặng 10 kg, không được nhanh nhẹn lắm, thì bạn còn có thể phản xạ tự vệ được bằng cách đánh trả nó. Nhưng khi bạn bị tấn công bởi một con pitbull 60-80 kg, vốn rất khỏe và hiếu chiến, không dễ gì buông tha con mồi, thì gần như mọi sự chống trả đều trở nên vô nghĩa. Khi đó, nạn nhân chỉ có nước chịu trận và hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Chuyện chó pitbull tấn công con người không phải chỉ có riêng ở Việt Nam. Thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp người bị pitbull cắn, dẫn tới tổn thương cả đời, thậm chí mất mạng. Đơn giản vì pitbull là giống chó hung hăng, có khả năng gây thương tích cao.
>> Sai lầm 'chó cưng không cắn người nhà'
Nếu bạn chịu khó tìm kiếm một chút trên mạng internet, sẽ không khó để biết rất nhiều trường hợp người nuôi pitbull từ bé, chăm sóc dạy dỗ đàng hoàng, nhưng vẫn bị nó tấn công, vì giống chó này có đặc trưng là tính tình không lường được. Cũng giống như con người lúc buồn, lúc vui, lúc giật mình, nóng tính. Không biết bao nhiêu trường hợp chó pitbull tấn công chính chủ nuôi của mình vì một thoáng mất kiểm soát. Và đặc tính này cũng có thể di truyền theo gien, nên dù có phối giống với giống chó khác thì cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo tôi, chúng ta chỉ nên cho nuôi các giống chó nhỏ, đặc biệt là trong điều kiện không có sân vườn cho chó chạy nhảy. Các loại chó lông ngắn cũng dễ thuần hóa và ít nguy hiểm hơn. Ngoài pitbull, ngày nay tôi thấy nhiều người cũng ham nuôi Husky ở Sài Gòn. Cá nhân tôi thấy tội cho chúng vì thời tiết nóng ẩm đối với Husky là cực kỳ khó chịu, khiến chúng dễ bị bệnh da liễu và gây mất kiểm soát bất chợt.
Ở Australia nơi tôi đang sinh sống, các bệnh viện thú y cũng luôn mở các lớp dạy nuôi chó chuyên nghiệp cho người dân. Tại đó, người ta dạy chó là phụ, mà dạy người nuôi chó cách chăm sóc và huấn luyện chó của mình là chính. Những lớp học này rất thịnh hành với những người ít kinh nghiệm nuôi chó. Người học cũng sẽ hỏi người huấn luyện về cách khắc phục những tính xấu của từng giống chó mà mình nuôi, từ đó có thể đưa ra những phương pháp huấn luyện chính xác và hiệu quả, giảm thiểu tối đa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đây cũng là kinh nghiệm mà người Việt nên nghiên cứu, áp dụng rộng rãi vì an toàn cho cả người nuôi và xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.