Nhân sự việc chó Pitbull cắn người đang được bàn luận nhiều trong thời gian vừa qua, tôi xin chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Nhà tôi vừa trải qua một sự việc vô cùng đau lòng. Sáng 7/9, chị tôi có chở hai con chó nhà tôi (giống Samoyed và Pomeranian) bằng xe máy đi tập thể dục ở bãi đất gần nhà như mọi ngày. Trên đường về, lúc đó vào khoảng 7h30, khi đi ngang qua ngã ba gần đó, có một con chó Pitbull nặng tầm 60 kg lao từ trong nhà bên đường ra tấn công chó của tôi.
Chị tôi cùng với chủ chó Pitbull vội vàng nó kéo con vật hung tợn ra, nhưng vì sức khỏe của Pitbull quá khủng khiếp nên không thể làm được gì. Sau khoảng 15 phút giằng co, con Pitbull bới chịu nhả ra. Trong lúc hoảng loạn, con chó còn lại của tôi đã hoảng loạn và bỏ chạy lạc mất. Nhà em đã huy động gần 10 người đi tìm hết mọi nơi, may mắn là đến 9h chúng tôi đã tìm ra được vật nuôi của mình.
Quay lại con chó bị cắn, lúc đó nhà tôi chở nó đến bệnh viện thú y để cấp cứu. Chủ chó Pitbull có nói rằng: "Em cứ lo chữa trị cho chó nhà em tốt nhất có thể để nó mau lành, và anh sẽ chịu trách nhiệm". Trong lúc hoảng loạn, nhà tôi chỉ nghĩ đến bệnh viện thú ý gần nhất để cấp cứu cho con vật đáng thương. Sau đó, bác sĩ xử lý và khâu vết thương từ 8h đến 14h mới xong, cộng thêm truyền dịch và cho thuốc. May mắn là vết thương không bị ảnh hưởng đến nội tạng bên trong.
>> Cần có quy định về nuôi chó Pitbull ở Việt Nam?
Vì vết thương quá lớn và có thể sẽ bị hoại tử, cộng thêm cơ sở vật chất ở cơ sở này không tốt lắm, nên chúng tôi muốn chuyển viện cho chó đến bệnh viện thú y ở Quận 2 vào ngày hôm sau. Lúc này, bác sĩ thực hiện các bước xét nghiệm, chụp X-quang kỹ hơn và phát hiện cho của tôi bị nứt thêm xương chậu. Tổng hết cả chi phí khám và xét nghiệm là 12,5 triệu đồng, chưa tính chi phí lưu trú theo dõi bệnh và dùng thuốc trong các ngày tiếp theo dự phòng là 2,5 triệu đồng một ngày.
Tuy nhiên, khi nhà tôi hẹn gặp chủ chó Pitbull để nói chuyện, giải quyết về các chi phí, thì họ trốn tránh. Chúng tôi đã phải đến thẳng nhà họ để làm việc. Lúc đầu, họ còn nhiệt tình hỏi thăm, ngọt nhạt các kiểu, cho đến khi tôi đưa ra các chi phí điều trị ở hai nơi là hơn 15 triệu đồng, họ bắt đầu nhảy dựng lên. Họ chỉ chăm chăm nói lý lẽ, nhưng chẳng ai đề cập đến tiền bạc, đòi nhà mình phải đưa ra một con số duy nhất. Tóm lại là họ tỏ vẻ khó chịu, không chịu hợp tác.
Hỏi thăm các nhà hàng xóm, tôi mới biết có một chú nhà đối diện, chó của chú cũng bị chính con Pitbull đó cắn. Và cũng giống tôi, chú chẳng được gia đình kia bồi thường một đồng nào. Còn các nhà khác thì lên án họ, rất dè chừng con Pitbull đó, vì đây không phải là trường hợp đầu tiên, nó từng cắn nhiều con chó khác trong khu, rồi sau này chuyển qua cắn người, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân xung quanh. Họ còn không dám cho con họ ra trước nhà chơi vì sợ chó dữ.
Hiện nay, truyền thông cũng đưa tin nhiều trường hợp chó Pitbull cắn người. Nhiều người lên án về việc nuôi Pitbull rất nguy hiểm đến tính mạng và an toàn của con người. Thử hỏi, nếu ngày hôm đó, con vật hung dữ kia cắn xé chó của tôi xong lại quay qua cắn nốt cả chị tôi thì sự việc sẽ nghiêm trọng đến thế nào? Tuy nhiên, điều đáng nói là chủ chó Pitbull dù biết nuôi loại chó nguy hiểm, đã để xảy ra anhiều vụ việc tương tự, nhưng vẫn dửng dưng vô trách nhiệm, trốn tránh không chịu hợp tác. Họ cho rằng điều này xảy ra là chuyện xui xẻo, nên ai bị phải tự chịu, vì không phải họ bảo chó của mình ra tấn công người khác.
Chúng tôi sau đó đã phải viết đơn lên UBND phường và công an địa phương để nhờ giải quyết nhưng chính quyền không can thiệp sâu được vì thiếu quy định xử lý. Cuối cùng, người ta cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, yêu cầu chủ chó Pitbull làm cam kết đeo rọ mõm, dây xích khi dắt chó ra ngoài. Tất nhiên, cam kết trên giấy tờ là vậy, chứ thực tế, sau mỗi lần như thế, người dân vẫn bắt gặp chủ chó Pitbull dắt chó đi dạo mà không rọ mõm.
"Chó đi với chủ trong phạm vi chưa được hai mét thì sao được gọi là thả rông", họ vẫn oang oang như vậy mỗi khi bị người khác nhắc nhở. Thậm chí, họ còn hù dọa, thách thức. Nhiều người nuôi giống chó nguy hiểm, nhưng lại không kiểm soát nổi, ấy vậy mà vẫn ngoan cố, cho rằng mình không sai. Luật ở Việt Nam vẫn chưa có những quy định nghiêm ngặt về chuyện cấm nuôi chó dữ, dẫn tới khi những sự việc không hay xảy ra, cơ quan chức năng cũng không thể xử lý triệt để.
Đến giờ, chó của tôi vẫn chưa thể bình phục, vết thương ngày càng nặng hơn và nguy cơ hoại tử cũng lớn dần. Hy vọng những chia sẻ này sẽ góp thêm một tiếng nói để người Việt sớm có những điều luật quản lý việc nuôi chó dữ, để không có thêm những nạn nhân bị Pitbull cắn xé như chúng tôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.