Trước những tranh luận trái chiều xung quanh câu chuyện "Nên cấm nuôi chó dữ ở Việt Nam?", tôi có một vài ý kiến sau:
Thứ nhất, phải khẳng định, pitbull là giống chó cực kỳ nguy hiểm, đã bị cấm nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Giống này đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và có thời gian để chăm sóc sát sao. Bản tính hoang dã có thể khiến pitbull tấn công người và các vật nuôi khác. Một đặc điểm của loài này là khi chúng đã tấn công thì kiên quyết không buông tha, cắn đối phương cho đến chết. Khi chúng đã say mùi máu thì không ai có thể cản được pitbull, chỉ có cách giết chết mới ngăn được chúng.
Tuy nhiên, bản thân con chó không có tội mà đa số chủ nuôi không hiểu biết về cách nuôi dạy loài chó đặc thù này nên mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bất kể loài chó nào, nếu được dạy dỗ tử tế, đúng cách từ nhỏ sẽ trở nên thân thiện và dễ bảo. Pitbull thậm chí còn là loài đặc biệt thông minh và trung thành tuyệt đối với chủ. Nhưng dù có dạy dỗ cỡ nào thì chó vẫn là động vật, vẫn có thú tính, nên rất cần được kiểm soát chặt chẽ.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần yêu cầu cấp phép nuôi chó ở đô thị. Về lâu dài sẽ cấp phép nuôi chó trên toàn quốc. Tại sao xe máy, ôtô phải được cấp phép để sử dụng mà chó lại được nuôi thoải mái? Nên nhớ, chó cũng là nguồn rủi ro đáng kể đối với cộng đồng. Giống chó nào cũng có thể bị dại và cũng có thể tấn công người nếu không được chăm sóc và dạy dỗ tử tế. Chủ nuôi cũng cần có kiến thức cơ bản và điều kiện đủ để nuôi chó, tránh để vật nuôi của mình trở thành mối đe dọa với cộng đồng.
>> 'Nuôi chó văn minh trước khi bàn chuyện ngừng ăn thịt chó'
Do vậy, tôi cho rằng, có những việc cần sớm được quy định như sau (điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng):
1. Ban hành danh mục chó được phép nuôi. Những giống chó nào không nên cho nuôi, hoặc không được nuôi ở môi trường nhất định?
2. Yêu cầu tất cả chủ nuôi chó phải đăng ký vật nuôi, cấp mã số và đeo thẻ cho vật nuôi để dễ quản lý và quy trách nhiệm khi gặp sự cố.
3. Với những giống chó to, hung dữ, chủ nuôi bắt buộc phải qua một khóa huấn luyện về phương pháp nuôi dạy chó, được cấp chứng chỉ mới được nuôi.
4. Bắt buộc chủ nuôi chó hung dữ phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với vật nuôi.
5. Ban hành tiêu chuẩn về điều kiện sống của vật nuôi: kích cỡ chuồng trại, cũi, khoảng không đảm bảo cho vật nuôi vận động, sổ theo dõi sức khỏe, sổ tiêm chủng...
6. Phạt nặng với các chủ để chó gây tai nạn dưới bất kỳ hình thức nào. Truy tố trách nhiệm hình sự đối với chủ nuôi nếu chó gây thương tích hoặc giết người.
Thực hiện tốt và đồng bộ các biện pháp nêu trên, tôi tin rằng vấn nạn chó dữ sẽ bị triệt tiêu đáng kể. Vân đề là chúng ta có muốn làm và sẵn sàng làm hay không? Chỉ cần quyết tâm, chắc chắn ta sẽ làm được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.