Hàng chục nước trên thế giới đã cấm nuôi Pitbull do ghi nhận nhiều vụ tấn công trẻ em. Còn tại Việt Nam, chuyện cấm nuôi giống chó này hay không đến nay vẫn phải chờ các cơ quan chức năng nghiên cứu dù đã có không ít vụ việc liên quan đến chó Pitbull cắn người. Nói vậy nhưng thực tế chuyện cấm nuôi chó dữ tại nước ta vẫn còn rất mông lung.
Tôi cho rằng, cứ cân đối xem lợi ích và thiệt hại thế nào mà quyết. Loại chó về điểm lợi duy nhất chỉ có tác dụng thỏa mãn sở thích của một vài người thích sức mạnh, nhưng nhược điểm là mang lại sự hoang mang cho rất nhiều người và là nguyên nhân gây nên không ít vụ cắn chết người, làm giảm sự văn minh của xã hội thì liệu có nên cho phép nuôi?
Như tôi mỗi lần ra công viên thấy chó to, dữ dằn là phải lập tức tránh né vì sợ bị cắn. Tổng thể những giống chó dữ như Pitbull chẳng có lợi gì cho xã hội, mà có hại nhiều hơn, vì thế hoàn toàn có thể cấm được. Chúng ta cần sửa quy định cho phép nuôi động vật đủ hiền lành, không có nguy cơ gây hại cho con người chứ không phải cứ cho phép nuôi chó chung chung, giống nào cũng được.
>> Ngồi chung với chó dữ trong quán cà phê
Chó đúng là bạn của chủ, nhưng có những giống quá dữ không phải bạn của người ngoài, không nên nuôi. Tôi hy vọng những thành phố đông dân trên cả nước cần có quy định cấm nuôi những loài chó quá dữ. Bản thân chủ nhân của những giống chó này thực ra cũng chủ yếu nuôi để thỏa mãn tính hiếu kỳ, bạo lực hơn là có một người bạn. Những người bình thường hiếm khi nuôi các loài chó quá dữ như vậy.
Để tránh một số người thích loại chó này cho là việc cấm nuôi quá cực đoan, chúng ta có thể đưa ra một số điều kiện trong đó có quy định về tài chính như đặt cọc một khoản tiền trước khi nuôi. Nếu bị quay phim, chụp hình hành vi thả rông chó, không đeo rọ mõm cho chó khi ra ngoài, số tiền trên sẽ được dùng để nộp phạt. Bên cạnh đó, cũng nên có những hình thức khích lệ người dân tố giác hành vi nuôi chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế bừa bãi.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 400-500 nghìn người bị chó mèo cắn và phải tốn 300 tỷ đồng để điều trị dự phòng vaccine dại. Luật đã quy định phạt người mang chó mà không xích giữ, nhưng việc thực thi không đầy đủ. Chủ chó thường chỉ bị phạt khi tình huống cắn người nghiêm trọng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm giống chó này hoặc ban hành các hạn chế nhất định với việc nuôi chúng. Hàng chục quốc gia trên thế giới đã cấm nuôi chó Pitbull. Có thể kể ra tên một số nước như: Argentina, Bavaria, Belarus, Bermuda, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Guyana, Ireland, Israel, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Ukraine, Vương quốc Anh và Venezuela là cấm nuôi Pitbull trên toàn quốc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.