Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 400-500 nghìn người bị chó mèo cắn và phải tốn 300 tỷ đồng để điều trị dự phòng vaccine dại. Luật đã quy định phạt người mang chó mà không xích giữ, nhưng việc thực thi không đầy đủ. Chủ chó thường chỉ bị phạt khi tình huống cắn người nghiêm trọng.
Quản lý lỏng lẻo nên không khó để bắt gặp tình trạng thả rông chó ở các khu vực công cộng tại khắp nơi trên cả nước. Từ ngõ xóm, chung cư, đến công viên, vỉa hè... bất cứ đâu người ta cũng có thể gặp chó thả rông, không đeo rọ mõm. Bất an là vậy nhưng chuyện xử phạt chủ chó trong các trường hợp ấy gần như bằng không. Thế nên người Việt vẫn vô tư sống cạnh chó dữ.
Một lần, đang ngồi trong quán cà phê, tôi thấy một vị khách bước vào, tay dắt theo một con chó rất to không rọ mõm, có lẽ là giống chó bên Tây, không nhỏ như chó cỏ của ta. Bản thân tôi cũng không biết cụ thể đó là loài chó nào, có hung dữ hay không vì không nuôi, cũng không tìm hiểu nhiều về chó. Có điều, sau khi vào quán, tôi thấy chủ chó ngồi một ghế, con vật sau đó cũng nhảy phóc lên một ghế bành cạnh đó, ngồi chồm hỗm.
Mặc dù con vật có đeo dây xích cổ nhưng nhìn tướng tá to lớn, mặt mày dữ tợn của nó, trong khi người chủ lại có dáng người nhỏ bé, tôi nơm nớp lo, tự hỏi: nếu không may chó lên cơn tấn công người xung quanh, liệu có gì đảm bảo rằng chủ nuôi có thể giữ được nó trong sợi dây dắt mỏng manh kia không?
Con chó có bộ lông màu cháo lòng, không biết đó là màu tự nhiên của nó hay là do lâu ngày không được tắm rửa nên bẩn. Cá nhân tôi không thấy thiện cảm và cũng không thể ngồi chung với chó dữ như thế ở nơi công cộng, vì cảm giác rất mất vệ sinh, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị cắn. Thế nhưng chủ chó vẫn rất bình thản ngồi đó, xem như chuyện dắt chó vào quán cà phê là một điều rất bình thường, mặc nhiên chẳng quan tâm vật nuôi của mình có gây nguy hiểm, khó chịu cho người xung quanh không?
>> 'Mệt mỏi cãi lý với hàng xóm nuôi chó thả rông'
Không thấy an tâm, tôi liền kêu nhân viên tính tiền và nhanh chóng rời khỏi quán, tự nhủ sẽ không bao giờ bước vào quán này nữa. Vì một số người nuôi cho thiếu ý thức như vậy, chắc chắn chủ quán sẽ mất một phần doanh thu vì những khách hàng như tôi. Đơn giản vì quán không có quy định cấm mang chó vào quán, không có trách nhiệm nhắc nhở chủ nuôi và tôn trọng khách hàng.
Gia đình tôi sống ở con hẻm thuộc quận Phú Nhuận, từng được báo chí khen ngợi là con hẻm đẹp do người dân hiến đất mở đường. Thế nhưng tôi cũng phải trải qua những cảm giác rất khó chịu vì hàng xóm xung quanh nuôi chó thiếu ý thức. Ngoài tiếng ồn của chó sủa suốt ngày đêm, có lần tôi còn bị chó hàng xóm qua nhà phóng uế. Không chịu nổi tiếng ồn và sự mất vệ sinh, tôi thậm chí từng tính tới chuyện xài bả. Nhưng sau đó, nhiều người cũng can ngăn tôi đừng làm vậy để tránh mang tiếng ác. Rốt cuộc, tôi vẫn phải cố chịu đựng trong bất lực đến giờ.
Có lẽ, đã đến lúc người Việt cần quan tâm đúng mực hơn tới chuyện nuôi chó. Vẫn biết, nuôi chó là một thói quen trong văn hóa sinh hoạt của người dân nước ta từ xa xưa, nhưng theo sự phát triển của xã hội, việc nuôi chó cũng cần được quản lý, giám sát, quy định chặt chẽ hơn. Chúng phải có sự phân biệt rõ ràng giữa không gian sinh hoạt của người với chó. Dù có yêu mến động vật đến mấy, thì chó cũng không thể ngang hàng như con người, dù có trải qua hàng triệu năm tiến hóa đi nữa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.