Tôi vừa đọc được một bài viết đại ý nói về "thanh xuân của con gái". Đại loại là sau khi kết thúc một cuộc tình đa phần con gái chúng ta đều than phiền thanh xuân của mình đã bị mất đi vì ai đó. Và hơn thế nữa chúng ta đòi được trả lại những tháng năm đã bỏ ra cho cuộc tình không như ý ấy.
Nhưng tại sao phải thế khi ai cũng có thanh xuân? Chúng ta không bàn đến vấn đề đúng sai, vấn đề ai được, ai mất trong tình lỡ. Chúng ta chỉ nói đến năm tháng đã qua là cả hai cùng có được. Cuộc tình kéo dài bao lâu thì là ngần ấy thời gian của hai người đã cho nhau. Vậy làm sao có chủ nợ, con nợ "thanh xuân" trong một cuộc tình? Chúng ta phải đòi ai đây khi cả hai đều là người trong cuộc?
>> Đàn bà sướng hay khổ không vì tấm chồng
Chúng ta không phải kẻ đến từ tương lai, nên đâu ai biết được đoạn kết của tình mình. Đầu đường thì hạnh phúc trăm bề, nhưng không may lại rẽ lối về sau, cũng chẳng thể làm được gì cả.
Trách duyên phận? Hay trách lòng người? Không nhất thiết phải trách gì đâu. Cũng không nên đòi trả điều gì, vì nếu biết được là sẽ chia tay thì có ai bước tiếp nữa đâu. Vậy mọi thứ đều là quyết định của chính mình thôi.
Có chăng điều mà con gái chúng ta mất đi chính là khoảnh khắc đẹp nhất, tuyệt vời nhất để được làm vợ, làm mẹ. Chứ thanh xuân thì tuổi nào cũng có, sống tốt, sống đẹp, vui vẻ, an yên, thì thanh xuân vẫn còn đó mà.
Tôi xin được quay trở lại với từ "bình đẳng giới" đã nói đến ở đầu bài. Chắc cũng không ít người trong chúng ta vẫn còn đánh tráo khái niệm về công bằng và bình đẳng. Tôi cũng sẽ không bàn sâu về hai khái niệm này, nó có đầy ở khắp mọi nơi nên rất tiện cho việc ai muốn tìm hiểu thêm.
Tôi chỉ muốn nói, phái nữ chúng ta cứ hay bảo thời buổi nay bình đẳng rồi, nhưng sao lắm lúc lại cứ muốn nhận được sự nhường nhịn từ cánh mày râu vậy? Như việc nhường chỗ trên xe buýt, ưu tiên phụ nữ khi xếp hàng... Hay là kiểu chúng ta cứ bảo "Là đàn ông mà làm thế đấy", rồi lại "Anh là đàn ông mà so đo với phụ nữ sao?". Rất nhiều câu chuyện nữa, và dĩ nhiên tôi không đánh đồng với sự làm nũng, hay mè nheo để tăng độ ấm trong mấy câu chuyện tình yêu nha.
Nhưng cũng vì vậy nó tạo nên sự bấp bênh trong cái gọi là "bình đẳng giới' mà hàng ngày vẫn vô số người kêu gọi và đấu tranh đấy. Vậy cái được đấu tranh ở đây là bình đẳng giới, hay là kêu gọi cho lợi ích riêng của phái nữ chúng mình với câu cửa miệng "Lady first"?
>> Tôi không hạ 'tiêu chuẩn' để lấy được chồng
Tôi nghĩ phụ nữ xưa hay nay đều mang cái hay, cái đẹp và cả năng lực tiềm tàng. Họ đều xứng đáng để được sánh ngang với cánh đàn ông. Những gì đàn ông làm được, phụ nữ chúng mình cũng làm được. Nhưng nếu như vậy thì làm gì có chuyện phân chia giới nam và giới nữ. Cuộc sống này không điều gì là tuyệt đối cả. Tới xà phòng còn chỉ diệt được 99,99% vi khuẩn thôi mà. Nên đa phần câu chuyện đều là mang tính tương đối.
Chúng ta không thể khắt khe với những chuyện đàn ông làm và những điều phái nữ có thể. Chúng ta cũng không nên miệng "bình đằng giới" nhưng lại luôn vô tình nhìn nhận mình là phái yếu cần được "nâng niu và chiều chuộng". Chúng ta không thể mang tâm lý nạn nhân, yếu thế trong những cuộc phân bua để buộc đàn ông phải nương theo và chấp nhận.
Bình đẳng giới ở đây không phải bắt đàn ông là phụ nữ, và ngược lại không buộc phụ nữ phải làm những việc như đàn ông. Đấu tranh cho bình đẳng giới có thể hiểu là đem lại tự do lựa chọn cho mọi người, mở rộng điều kiện để có thể làm được những điều mình muốn mà không bị giới hạn bởi giới tính, không bị gò bó trong rào cản xã hội, hay định kiến.
Bình đẳng giới không phải là san bằng giới tính và đem lại lợi ích cho phái nữ. Bình đẳng giới cũng cần được thực thi đối với đàn ông. Chúng ta không nên phân định "phái mạnh" và "phái yếu" trong bình đẳng giới. Và dĩ nhiên càng tốt hơn là trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Đặc biệt đừng nhầm lẫn giữa đấu tranh vì bình đẳng với hành động kêu gọi vì lợi ích riêng của mình.
>> 'Nếu được chọn lại, tôi sẽ không lấy chồng ngoại quốc'
Bài viết này không nhằm lên án sự mâu thuẫn trong chính suy nghĩ và hành động của chúng ta về bình đẳng giới. Tôi chỉ mong chúng ta không nên đánh đồng tất cả mọi thứ và biến mình thành phái yếu trong trường hợp nào cả. Chúng ta nên có sự khách quan trong một vài vấn đề, khía cạnh nào đó mà có sự xuất hiện của cánh mày râu.
Cũng như câu chuyện thanh xuân ấy, ở đây không phải hoàn toàn đem khái niệm bình đẳng giới đi vào để giải quyết vấn đề, vì chuyện tình cảm không khô cứng và khuôn khổ như những điều thực tế khác. Nhưng có phải chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan hơn hay không về chuyện thanh xuân đã đánh mất ấy?
Có phải chính chúng ta đã đem định kiến vào câu chuyện này không? Có phải nên công bằng một chút cho đàn ông? Hay là vẫn muốn giữ vai người bị hại trong cuộc tình tan vỡ và đòi lại những gì đã cho đi?
Bình An
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.