Mẹ tôi là con út trong gia đình có tám anh chị em. Khi mẹ tôi học lớp 10 thì bà ngoại qua đời. Lúc bà ngoại mất các anh chị trước đã lớn tuổi nên đã lập gia đình và ở xa. Mẹ tôi ở cùng ông ngoại và hai anh trai kế.
Là người phụ nữ duy nhất trong nhà, mẹ tôi kế thừa, tiếp quản căn bếp mà bà ngoại để lại. Sáng và chiều, ngày hai bữa, mẹ nấu cơm, nấu nước cho cả bốn cha con. Rồi mẹ lên lớp 12, học một trường sư phạm của tỉnh rồi về quê dạy học và lấy ba tôi. Ba tôi là một anh nông dân và là con út. Người miền Tây có tục để tài sản ngôi và nhà cho con út ở. Vậy nên ba tôi ở nhà hương hoả của ông nội để lại.
Sinh con, mẹ nghỉ dạy để toàn tâm chăm cho cho gia đình trong khi ba tôi lo việc đồng áng. Vì là nhà hương hoả, thờ cúng ông bà nên một năm nhà tôi tổ chức bốn cái đám giỗ.
>> 'Người Việt nên chơi Tết thay vì ăn Tết'
Hàng chục năm liền, mẹ tôi cứ lầm lũi trong căn bếp. Những ngày giỗ chạp, lễ Tết là một cực hình với nhiều phụ nữ chứ không riêng mẹ tôi. Con dâu út giỗ cha mẹ chồng, thế nào cũng bị cánh chị em chồng nói ra nói vào, kiểu: "Năm nay lúa được mùa mà thím út giỗ đơn sơ quá". Là chủ nhà, nên mẹ lên thực đơn, đãi món gì, nguyên liệu gì, nhưng mẹ vẫn chịu sự phán xét của các anh chị em chồng. Thế nào cũng bị nói ra nói vào.
Những ngày Tết, việc bếp núc với nhiều phụ nữ ở nông thôn là một cực hình, trong đó có mẹ tôi. Tôi nhớ ngày xưa, gần Tết mẹ đi chọc dừa, lột vỏ, làm mứt để khách tới nhà có cái ăn. Rồi ngâm nếp, chọc lá gói bánh tét xay bột...
Sáng 30 mẹ đi chợ, lặt rau, xào xào nấu nấu để chiều có mâm cơm rước ông bà. Rồi chuẩn bị nấu đủ món mặn, món xào, món chiên, món chay cho sáng mùng một Tết. Đồ chay để cúng, món mặn để đãi khách. Khách là các anh chị và con cháu của họ đến thăm đầu năm, đốt nhang mừng tuổi ông bà. Họ hàng đến thăm thì phải dọn cơm đãi, họ ăn xong thì lại dọn xuống.
Chưa kể trong ba ngày Tết, mỗi ngày hai lần dọn cơm lên ba chiếc bàn thờ để cúng ông bà. Mùng hai, mùng ba cũng như thế. Tính đến nay, từ lúc lấy chồng đã 30 cái Tết mẹ tôi bị căn bếp "cầm tù". Những cái Tết gần đây, mẹ cũng làm những việc như thế. Chỉ khác là có các con dâu, con trai phụ giúp. Và mẹ đã xài bếp ga chứ không còn ám mùi khói bếp củi nữa.
>> 'Người Việt cần nghỉ Tết đúng nghĩa'
Năm nay, anh em chúng tôi nhận ra sự khó nhọc và quyết định "giải thoát" mẹ khỏi căn bếp. Chiều mùng một chúng tôi sẽ xuất hành đi du lịch. Sẽ không còn nấu nướng và dọn dẹp. Mẹ tôi cũng sẽ không còn quẩn quanh trong căn bếp trong những ngày Tết nữa.
Nhiều người ở thành thị, chưa thấu hiểu hết những công việc lặt vặt không tên trong bếp núc của phụ nữ ở nông thôn sẽ cho những điều tôi kể là nói quá. Tuy nhiên dù ở thành hay ở quê, hãy biết yêu lấy người phụ nữ của gia đình. Họ giữ bếp cháy lửa mỗi ngày cũng là giữ ấm gia đình. Ăn tết đơn giản và giải thoát họ khỏi căn bếp ngày Tết cũng là một cách cảm ơn những người phụ nữ quanh năm đã chăm sóc gia đình từ những món ăn.
Quang Phương
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.