Tôi đã rơi vào trường hợp oái oăm khi bị tố trở thành người rủ rê, lôi kéo chồng người khác đi nhậu. Số là một lần tôi đến thăm và chúc Tết gia đình người bạn thân. Mặc dầu đã nói là chỉ uống nước trà, ăn bánh và tán gẫu thôi, không bia bọt gì cả. Nhưng người bạn thì một hai đòi uống bia cho đỡ nhạt miệng. Thấy chồng uống bia ừng ực, nhấp tôm khô và củ kiệu, cô vợ bèn vào bếp chặt con gà luộc, xào dĩa thịt bò cho chồng nhậu vì sợ anh chồng bị đau bao tử.
Tôi về nhà thì mới hay cô ấy chụp hình bữa nhậu rồi post lên mạng than thở phải nấu nướng, làm mồi cho chồng nhậu với bạn. Tôi hết sức giận và tự hứa sẽ không đến nhà người bạn này nữa. Ngay từ đầu tôi đã bảo là không nhậu, cô ấy còn tiếp tay nấu nướng, làm thức ăn cho chồng lại quay ra trách móc khách. Hành động như vậy là không đẹp.
Thật là lố khi không muốn chồng nhậu lại đi làm mồi cho chồng nhấp bia. Việc này chẳng khác gì chị em sống đa nhân cách, lời nói không đi đôi với hành động. Nếu ghét chồng nhậu nhẹt, chị em phải phản đối mạnh mẽ lên bằng cách vứt rượu bia vào sọt rác hoặc nói: "Nếu anh muốn nhậu, thì tự làm mồi hoặc uống không, nếu bị bệnh thì tự đi khám, em không ngó đến". Như vậy mới thực là người phụ nữ mạnh mẽ. Nếu cứ đi phục vụ cho thứ mình ghét, thì chẳng khác gì chị em đang bị hội chứng Stockholm chăng?
Về phần bày vẽ nấu nướng ngày Tết, rõ ràng, những món ăn ngày Tết như dưa chua, thịt đông, lạp xưởng, thịt kho, bánh tét, bánh chưng... đều là những món có thể sử dụng dài ngày và cách chế biến cũng đơn giản. Đây chính là sự tiện dụng và giải phóng sức lực phụ nữ trong những ngày xuân mà chị em không chú ý đến mà thôi. Còn nếu cứ vào bếp cặm cụi nấu nướng thì chính là chị em rước bực vào người rồi than la "sao số tôi cực thế".
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.