Thực ra ý tưởng kéo mẹ đi du lịch để bà không bị giam trong căn bếp ngày Tết không mới. Những bạn nào muốn thực hiện điều này với cha mẹ mình thì tốt nhất nên hỏi ý kiến các cụ trước. Bởi tôi đã phải từng hủy vé du lịch đã đặt sẵn vì mẹ tôi không chịu đi du lịch ngày Tết.
Với nhiều người già, theo truyền thống, Tết nhất là dịp cháu con sum vầy trong căn nhà chứ họ chẳng muốn đi đâu xa những ngày đó cả. Với nhiều phụ nữ, được đứng trong căn bếp, nấu những món ăn mà các thành viên trong gia đình yêu thích là điều khiến họ cảm thấy ấm cúng nhất.
Lý giải nguyên nhân vì sao nấu nướng là công việc của phụ nữ rất đơn giản. Thứ nhất, phụ nữ thường tỉ mỉ và chú ý vào tiểu tiết. Vì thế những món ăn qua bàn tay nêm nếm của họ sẽ ngon hơn khi đàn ông thường nấu nướng rất qua loa. Đây là tôi nói tính cách chung của hai phái nam - nữ. Nên đừng bạn nào vặn ngược, bảo "những đầu bếp nổi tiếng đều là nam giới" nhé.
Dưới góc độ văn hóa, căn bếp từ xưa đã được trao cho người phụ nữ tiếp quản. Ba ông đầu rau nấu bếp là minh chứng rõ ràng nhất: hai ông, một bà. Táo bà có lỗ rốn sâu hun hút, nằm ở giữa, hai ông hai bên. Khi đời sống nông nghiệp còn thịnh hành, việc đồng áng, cày bừa nặng nhọc là việc của đàn ông. Nhóm bếp, thổi cơm là việc của phụ nữ, vì thế việc họ chủ quản căn bếp là điều đương nhiên.
Mỗi thời có lối suy nghĩ khác nhau. Có thể lớp phụ nữ sau này hiện đại sẽ không thường xuyên vào bếp. Nhưng với những phụ nữ truyền thống, họ xem việc nấu nướng là trách nhiệm và đôi khi là niềm vui. Tết, được nấu ăn cho chồng con trong không khí thiêng liêng lại là một niềm hạnh phúc.
Thay vì cả nhà kéo đi chơi rồi gặp kẹt xe, khói bụi thì hãy tận hưởng không khí sum họp. Chỉ cần tinh giản nấu nướng, đồ ăn dễ chế biến, dùng được nhiều ngày như: thịt kho, thịt đông, dưa giá, bánh chưng...là được rồi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.