Chuyện buôn đất thì ở đâu cũng có. Ở Mỹ, nhà buôn đất nổi tiếng nhất là ông Donald Trump. Trước khi tham gia chính trường thì công việc chính thức của ông là "real estate developer", một nhà phát triển bất động sản.
Giờ đây, tới ông Bill Gates cũng nhảy vô lĩnh vực này. Ông đã đi mua một mớ đất rất to, mà là đất nông nghiệp mới đáng nói. Vì vậy ở Việt Nam cũng không có gì lạ khi rất nhiều người kéo nhau đi buôn đất.
Cái sự buôn đất ở Mỹ rất khác ở Việt Nam. Ông Trump thì mua đất, sau đó xây khách sạn, xây tòa nhà, xây sân golf, xây sòng bạc rồi cho thuê, đưa vào hoạt động.
Có cái lỗ, có cái lời, nhưng mấy miếng đất mà ông chạm vào thì trước sau gì nó cũng sẽ trở thành cái gì đó để sử dụng. Bill Gates thì mua đất làm nông, rồi thì đất đó nó vẫn được dùng để làm nông. Nông dân vẫn cày cấy trên mấy mảnh đất đó, chỉ là chúng thuộc về sở hữu của ai đó thôi.
Theo một thông tin, Bill Gates đang sở hữu 270.000 mẫu Anh (109.265 ha) đất. Số đất này khiến ông ấy trở thành điền chủ nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Bill Gates sở hữu đất tại 19 bang của Mỹ.
>> 'Cần đánh thuế bất động sản thứ hai bỏ hoang'
Ở Việt Nam, cái sự buôn đất dạo này lại mọc ra mất điều kỳ lạ. Đầu tư bất động sản là kênh đầu tư cổ lổ sĩ nhất thế giới. Nó cũng là kênh đầu tư được cho là chắc ăn bậc nhất. Đất sẽ sản xuất ra của cải, chắc chắn là như vậy. Người như ông Trump sẽ đưa đất vào sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp, bao gồm cung cấp dịch vụ giải trí, cư trú, mặt bằng kinh doanh, còn ông Gates thì sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp.
Rất nhiều người dân ở Mỹ đều đầu tư bất động sản theo kiểu này. Với những người đầu tư nhỏ lẻ thì mua thêm vài căn nhà rồi cho thuê. Chả ai đâu lại đi mua đất để không dành làm của, chả biết giá cả nó lên xuống thế nào. Tệ nhất là sẽ phải đóng thuế, đất để không, không cho thuê cũng chả sinh lời, mà cứ đóng thuế thì cứ gọi là méo cả mặt.
Công cuộc buôn đất, mua đất để không rồi bán lại để lấy tiền chênh lệch, hay là mua đất để không để bảo toàn tiền là một tiết mục không mới. Đất đai là tài sản, tài sản chỉ có giá trị tương đương với giá trị sử dụng. Thứ duy nhất thoát ra khỏi vòng kiểm soát đó là tiền tệ, bởi nó không phải là tài sản mà là quy đổi của tài sản.
Khi đất được mua bán chuyền tay, nó bỗng trở nên giống như trò chơi khoai tây nóng. Đại khái là người chơi trò này sẽ trả tiền rồi chuyền nhau một củ khoai nóng. Người cuối cùng cầm phải củ khoai sẽ mất tiền, những người khác chia nhau phần tiền của người bị thua cuộc.
>> Tôi ủng hộ thu thuế BĐS thứ hai dù có 5 căn nhà
Trò chơi củ khoai nóng ở mặt vi mô thì không có gì đáng nói, ngoại trừ vài cái tay phỏng và một người mất tiền. Ở mặt vĩ mô thì đó là cả một nền kinh tế bị phỏng khi những củ khoai bị chuyền tay quá nhanh và những củ khoai bị quẳng qua quẳng lại, nát tan không thành hình. Mấy mảnh đất nền 30 mét vuông chính là củ khoai nát đó.
Trên thực tế, ai sẽ mua mấy mảnh đất đó để đưa vào sử dụng? Bán đất kiểu đó cũng vô lý kiểu như cắt một tấm lụa thành mảnh nhỏ chia đều cho cả làng. Ai cũng được một mảnh, không đủ may khăn tay và cái súc lụa đó đã chết đi, không được dùng vào việc gì, cực kỳ hoang phí.
Những người đã và đang quay quanh trò chơi khoai tây nóng để kiếm ăn tất nhiên rất bực bội khi có người can ngăn, chỉ trích. Không ai mà muốn người khác xen vào bát cơm của mình.
Các bác môi giới bất động sản giận là phải, những người đang buôn đất cũng giận luôn. Những người ngấp nghé đứng ngoài, đang suy tính việc nhảy vào cũng rất giận khi người ta bảo rằng đó là cái bẫy.
>> Giá nhà đất cao vô lý, dân đầu cơ là người thiệt trước
Lúc tiếng chuông vang lên báo hiệu trò chơi chấm dứt sẽ là lúc mọi người quay ra đổ lỗi cho nhau. Điều này thì nước Mỹ cũng trải qua rồi, hồi năm 2008 khi người Mỹ điên cuồng đi vay để mua nhà. Trung Quốc đang cảm thấy khó khăn với đống nợ của các công ty đầu tư bất động sản bán nhà trước khi xây. Còn ở Việt Nam, các bác "đầu tư" trong cơn say đang cáu gắt khi người ở ngoài khuyên can các bác ấy đừng uống rựơu như vậy.
Khi bong bóng bất động sản vỡ năm 2008, Mỹ đã bước vào một cuộc suy thoái nặng nề, gần 10 năm mới phục hồi hoàn toàn được. Trung Quốc đang gấp rút giải quyết bài toán khủng hoảng bất động sản.
Còn nhiều người ở ta vẫn tin rằng mọi thứ sẽ khác, bởi vì không thể so sánh Việt Nam với các nước lớn. Các quy luật kinh tế thì không như vậy. Đúng hơn là các quy luật đó không hề suy nghĩ gì cả, nó chỉ xảy ra mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.