Tôi không phản đối việc đất trung tâm thành phố, thị xã giá cao hơn nông thôn nhưng nó cao phải hợp lý. Ví dụ bạn mở một quán ở khu vực trung tâm đông dân cư, thu nhập hàng tháng kiếm được là 100 triệu thì miếng đất đó sẽ có giá gấp 10 lần một miếng đất ở một nơi mà bạn mở quán chỉ thu được 10 triệu một tháng. Điều này là bình thường.
Nhưng nếu miếng đất đó được định giá gấp 30-50 lần thậm chí 100 lần thì đó là điều không đúng, là bong bóng bất động sản. Nhiều bạn nói không đủ tiền mua nhà, đất ở trung tâm thì về vùng ngoại ô mua nhà, chấp nhận đi xa.
Nhưng hãy thử tìm hiểu xem giá đất vùng ngoại ô hiện đã tăng bao nhiêu lần rồi? Và các bạn thấy mức độ gia tăng dân số của Việt Nam nói chung và đô thị nói riêng, cũng như độ gia tăng tiện ích của vùng ngoại ô so với mức độ tăng của giá đất có hợp lý không?
>> Thanh lý hai nền đất, thu về năm tỷ đồng gửi ngân hàng
Nói thẳng ra là hiện nay đất ở nhiều nơi có giá không hợp lý. Việc gom đất rồi bỏ hoang không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn mà đã diễn ra rải rác khắp các tỉnh thành. Chính điều đó đã tạo ra sự thiếu hụt ảo về nguồn cung đất. Nhiều nơi rơi vào tình trạng thiếu đất, đất chật người đông trong khi đất có chủ lại bỏ hoang rất nhiều.
Người giàu có thể thoải mái mua bao nhiêu đất cũng được vì đó là quyền công dân của họ. Nhưng nếu mua đất xong để bỏ hoang đó chờ tăng giá thì phải bị đánh thuế cao cho việc lãng phí tài nguyên đất của họ.
Trên thế giới việc đánh thuế để hạn chế việc lãng phí nguồn tài nguyên hữu hạn chẳng phải là điều lạ gì. Hiện nay giá đất Việt Nam đang tăng quá cao không đi cùng với sự phát triển của đất nước và mức độ gia tăng dân số mà giá tăng nóng là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ảo do việc đầu cơ ôm đất bỏ hoang.
Chẳng cần đi đâu xa, chỉ đi lòng vòng trong bán kính 100km tính từ Sài Gòn ra cũng dễ dàng thấy đất bỏ hoang rất nhiều nhưng thử hỏi giá xem sẽ biết đất đó được rao bán với giá tiền thế nào.
Và giá đó đã vượt qua thu nhập của một bộ phận lớn cư dân nên việc nói "không có nhiều tiền thì mua đất ở xa là không phù hợp". Còn những chủ nhân thực sự của miếng đất đó, là những người có tiền và khả năng về đó sống lại chọn cách bỏ hoang chờ tăng giá.
>> Tháo chạy khi 80m2 đất ngoại thành giá gần 1,3 tỷ
Vì vậy, tôi nghĩ đánh thuế bất động sản thứ hai bỏ hoang là cách tốt nhất để khắc phục những hạn chế trên. Người nghèo có thể cắn răng đóng thuế để tiếp tục bỏ hoang đất (số tiền tương đối ít) nhưng người giàu (có hàng chục mảnh đất chẳng hạn) luôn không muốn tốn tiền mà chẳng đem lại lợi ích gì cho họ. Như vậy, họ sẽ tìm cách đem đất vào sử dụng để tránh khoản thuế bỏ hoang. Từ đó làm giảm nguồn đất bỏ hoang, tăng nguồn cung đất cho thị trường.
Nhìn rộng ra, khi nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng hoặc tăng ít thì giá nhà đất lẫn giá thuê đều sẽ giảm. Rốt cuộc toàn xã hội sẽ được lợi sẽ không cần phải phấn đấu quá mức để có được một chỗ ở.
Winter
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.