Có lần bạn tôi hỏi: Sẽ thế nào nếu người giàu chủ yếu là nhờ đất?
Có quá nhiều biến số để trả lời, nhưng rõ ràng mua đất làm giàu có ma lực thật ghê gớm. Những lý do hấp dẫn cứ lởn vởn trong đầu nhiều người: "Cứ giàu ấm bụng trước đã", hay "mình không buôn bất động sản (BĐS) thì cũng có người khác buôn", "ông anh mua miếng đất một tỷ, năm sau giá lên năm tỷ".
Vậy điều gì khiến BĐS được đầu cơ nhiều nhất?". Nguyên nhân vì: BĐS vẫn là hình thức kinh doanh hiệu quả, an toàn, biên độ lãi cao.
Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. Chính vì những tính chất vừa kể trên của BĐS đã làm lệch cán cân giữa các loại hình đầu tư khác, dẫn đến sốt đất.
Nhiều người kêu than mua nhiều đất cũng là nhờ tiền bản thân cực khổ kiếm, phải đầu tư trí óc, sức lao động mới có. Cũng đúng, bạn thấy có lợi, không phạm pháp, không vi phạm đạo đức, thì cứ đầu tư, lời ăn, lỗ chịu. Đó đều là lợi ích cá nhân chính đáng.
>> Ôm mảnh đất 1,5 tỷ đồng như 'bom nổ chậm'
Thế nhưng thị trường bất động sản hiện tại rất cần cần bàn tay cơ quan chức năng làm nhiệm vụ cân bằng, điều tiết để định hướng phát triển tối ưu cho cả xã hội.
Không như những nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm lợi ích bản thân, các cơ quan này còn phải xem xét những tác động của một thị trường BĐS "méo mó" lên toàn bộ các mặt khác của xã hội:
- Chênh lệch giàu nghèo gia tăng.
- Vốn chôn vào BĐS, không đóng góp gì nhiều cho sản xuất phát triển đất nước.
- Mất cân bằng cơ cấu lao động, và phân bố đất đai (người người rủ nhau làm BĐS)... và nhiều điều khác nữa.
Tôi tin rằng chúng ta ít nhiều cũng có những khái niệm cơ bản về đầu cơ và lạm phát. Việc này làm tôi nhớ đến truyện cổ tích "Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho".
Ngắn gọn, Thạch Sùng làm nghề ăn xin, nhưng chịu khó và biết tích góp, nên cũng có ít tài sản tích trữ. Do một "yếu tố cá nhân", Thạch Sùng biết sẽ có thiên tai đã lấy của tích trữ ra, lựa chọn đầu tư vào lương thực.
Năm ấy, xảy ra một trận lụt đẫn đến mất mùa, nạn đói tràn lan. Giá lương thực tăng gấp trăm lần. Có khi một thoi vàng chỉ đổi được một đấu gạo, thậm chí còn không có gạo để đổi. Anh Sùng thế là phất lên.
>> Hai lựa chọn khi bất động sản thứ hai bị đánh thuế
Bây giờ hãy thêm ít mắm muối cho câu chuyện này: Những người đổi một thỏi vàng lấy một đấu gạo ấy, một số họ lúc trước cũng không giàu có gì. Một bao gạo chỉ đáng giá một hào. Nhưng nhờ anh Sùng thu mua giá gấp đôi, họ nhanh chóng đổi đời. Vẫn thuận mua vừa bán.
Và khi nạn đói đến, họ nhanh chóng trở lại với cảnh nghèo ngày xưa do phải mua lại những gì mình bán với giá cắt cổ.
Trách ai bây giờ? Là do tự bản thân họ, không ai ép buộc, tất cả do thị trường quyết định. Ở đây, thị trường bị tác động thêm bởi hai yếu tố, một do thiên tai (tự nhiên) và một do Thạch Sùng đầu cơ (nhân tạo).
Thế nhưng, đâu thể để Thạch Sùng trục lợi, làm giàu từ khó khăn của người khác ngoài đời thực như thế được? Chuyện nhà đất cũng tương tự như thế.
ABC XYZ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.