Những câu hỏi như vậy của phụ huynh luôn làm một giáo viên mầm non như tôi trăn trở:
- "Sao con của những nhà hàng xóm đã đi học thêm viết chữ lớp 1 hết rồi, con của tôi chưa đi học, có sao không cô?"
- "Tôi lo quá, không cho đi học thêm, không biết con của tôi vào lớp 1 có theo kịp các bạn không?"
Với thâm niên hơn 15 năm đứng lớp mẫu giáo (lớp Lá, cho trẻ 5-6 tuổi), tôi thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với phụ huynh trong những giờ đưa đón trẻ. Mỗi bậc cha mẹ đều có những nỗi niềm suy tư và tính toán riêng cho con của mình. Có người lo cho việc ăn ngủ, vệ sinh của con, nhưng đa số vẫn là việc cho con làm quen viết chữ, nhận mặt chữ, vì sau năm học cuối cấp mầm non này, các con sẽ bước vào lớp 1.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra với tôi, mà khi giải đáp chính tôi cũng phân vân. Rõ ràng, chương trình của lớp Lá có phần làm quen chữ viết theo kiểu vừa học vừa khám phá. Làm quen chữ cái trong các tiết học với học cụ sinh động, trò chơi phối hợp đa dạng ở các góc đủ để các con phát triển trí tuệ, thể chất, ghi nhớ mặt chữ, các bài tập vừa học vừa chơi dựa theo chuẩn phát triển của trẻ 5- 6 tuổi.
Chỉ cần các con tham gia tốt và tích cực, tự tin các hoạt động ở trường mầm non là đủ khả năng để vào lớp 1. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mà hầu như tất cả bậc cha mẹ đều có tư tưởng phải cho con đi học thêm, học viết chữ thì nỗi lo mới vơi đi. Nếu con của mình không học thêm thì tâm trạng của họ không yên và luôn lo âu suy nghĩ. Cuối cùng, dù rất muốn buổi tối là thời gian thư giãn của con, họ thay nhau đưa con đến các lớp học thêm trong những buổi chiều muộn, với thể trạng mệt mỏi và biếng lười....
>> Đưa con đến trường, cha mẹ đừng chỉ biết 'trăm sự nhờ cô'
Có lần, tôi thử rà soát lại xem lớp của mình có bao nhiêu bé sau mỗi giờ tan lớp học ở trường mầm non là phải vội vàng ăn tạm món gì đó, như cái bánh mì, hộp sữa để kịp giờ đến lớp học thêm. Kết quả có đến hơn 70% các bé trong lớp đều như vậy. Điều đó làm cho chính bản thân tôi hết sức hoang mang, vì tôi cũng có con gái đang ở tuổi này, tôi cũng có nỗi lo như tất cả quý các phụ huynh khác, dù con tôi được hoạt động ở trường mầm non ngay từ lúc mới chập chững biết đi. Dù con rất mạnh dạn, tự tin, nhưng tôi lo con không theo kịp bạn để vào lớp một - nơi các con sẽ phải viết và ráp vần rất nhanh.
Nhiều phụ huynh sợ con mình kém thành tích hơn bạn nếu không cho con học thêm ngay từ năm học cuối cấp mẫu giáo. Thế là, chẳng ai bảo ai, tất cả những bậc cha mẹ đều sắp xếp, cố gắng tìm cho con mình một lớp học thêm, luyện chữ nhất định. Là một người trong cuộc, nhiều lúc tôi cũng bị cuốn theo suy nghĩ đó và dự định sẽ cho con gái của mình đi học thêm.
Tôi lần mò đến các lớp học chuẩn bị vào lớp một. Tại đây, tôi gặp tất cả các phụ huynh, những người vừa đón con ở trường mầm non về. Trong số những gương mặt non nớt, có bé đã kịp về nhà tắm rửa, cũng có bé vì thời gian quá cận nên không thể thay kịp bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi, có bé đang vội uống hộp sữa, nuốt vội cái bánh. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi quay xe ra về bởi chẳng muốn con mình phải cực khổ đến vậy.
>> Thời đại 4.0 sao còn dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm bằng cách thực hành?
Sau một ngày dài xa gia đình, buổi chiều muộn về, các con lẽ phải được sinh hoạt cùng gia đình, được chia sẻ trong vòng tay người thân, vậy mà không hiểu vì lý do gì, người lớn vẫn cứ bắt con mình phải "học thêm", để rồi từ đó nảy sinh rất nhiều tiêu cực. Người chê, kẻ miễn cưỡng, nhưng lớp học thêm nào cũng đầy ắp mỗi khi chiều về.
Chương trình giáo dục mầm non theo chuẩn trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục Đào tạo thì đã giúp các bé phát triển đủ 5 mặt: đức - trí - thể - mỹ - ngôn ngữ. Phải chi tất cả các bậc cha mẹ không quá lo lắng, thì có lẽ họ cũng không chạy theo cầu, trống đánh xuôi kèn không thổi ngược.
Hàng năm, trên các diễn đàn giáo dục, các nhà quản lý, người dân tìm đủ mọi cách tháo gỡ việc dạy thêm, học thêm, nhưng rồi đâu lại vào đó. Các lớp học rèn chữ vẫn thi nhau mọc lên, các thầy cô giáo bắt buộc phải cố truyền đạt hết kiến thức ở trường để tất cả các em học sinh không vật vã mỗi chiều về, giúp gánh nặng tinh thần và vật chất trên đôi vai người cha, người mẹ nhẹ đi.
Đến bao giờ việc có con sắp vào lớp một mới không còn là nỗi lo với các bậc phụ huynh? Đó là câu hỏi tôi xin gửi đến tất cả người lớn trong xã hội. Chúng ta phải làm gì đó, để áp lực cho đôi mắt thơ ngây, bộ não non nớt của con trẻ vơi đi bớt, trả lại cho các con một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên có những viên bi, cánh diều...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.