Xung quanh câu chuyện "Dạy chữ sớm là làm hại trẻ", độc giả Nguyễn Xuân Tài chia sẻ thực trạng giáo dục trẻ mầm non hiện nay: "Con tôi đã biết đọc và viết rồi, vào lớp 1 chỉ viết chậm hơn các bạn một chút mà ngay buổi thứ hai cô giáo đã phàn nàn với tôi: 'Ở nhà gia đình không cho con học trước à?'".
Cùng chung hoàn cảnh khi con bị giáo viên chê vì chậm biết chữ, bạn đọc Linh chia sẻ: "Tôi đã từng muốn khóc khi cô giáo lớp mầm non bảo bé nhà tôi phải học chữ trước khi vào lớp 1. Ở Sài Gòn, các giáo viên không dạy chữ ở lớp lá, vậy mà tôi cho con về Quảng Nam, mới vào học sau đợt dịch, cô giáo bảo các bạn trong lớp đã biết hơn nửa bảng chữ cái rồi".
Khẳng định thực trạng dạy chữ sớm cho trẻ mầm non không phải là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam, độc giả Vũ Vũ bức xúc: "Các phụ huynh ở ta cứ đòi trẻ phải biết chữ sớm. Như ở quê tôi, đứa nào 4 tuổi mà chưa biết mặt chữ là bị liệt vào hàng ngũ phải kèm cặp, dạy dỗ tử tế. Dạy tiếng Anh cho trẻ em mà cứ bắt chúng phải ghi chép chi chít mới gọi là học. Có bà còn bảo phải cho chúng học mấy chữ cái từ chưa tròn hai tuổi, mua một mớ đồ chơi chữ cái về dạy cháu.
"Ai cũng biết dạy chữ sớm cho trẻ là không tốt. Nhưng khổ nỗi Bộ Giáo dục vẫn cho các thầy cô dạy thêm cho trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo. Nên nhiều gia đình đành phải cho con nhỏ đi học thêm chỉ vì lo cho con sau này khi vào lớp 1 con sẽ sợ học vì không bằng các bạn (bởi các bạn đều được học thêm nên đã biết mặt chữ số, con mình chưa biết sẽ bị sợ học). Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ nên cũng đành phải cho con đi học thêm từ lúc 4 tuổi, cũng chỉ vì lo sợ điều đó. Mong sao Bộ Giáo dục cấm triệt để việc dạy thêm cho con trẻ đang độ tuổi mẫu giáo để trả lại tuổi thơ cho con trẻ cũng như bớt đi phần nào sự tốn kém, vất vả đưa đón của các gia đình", bạn đọc Nguyễn cường Thịnh bày tỏ quan điểm.
>> Tôi hoang mang vì học sinh mầm non phải đi học thêm
Chia sẻ phương pháp dạy học cho trẻ mầm non ở nước ngoài, độc giả Thao Nguyen cho biết: "Tôi có đứa con đang học lớp 1 ở Úc. Ở trường, mỗi hai ngày, họ phát cho trẻ một quyển sách mỏng (mỗi trang có khoảng một, hai câu kèm hình ảnh) cho trẻ về đọc, theo từng giai đoạn học đọc của trẻ. Ngày thứ nhất, trẻ phải tập đọc, và hiểu ý của nó. Ngày thứ hai, trẻ phải nhìn sách (mà không đọc) rồi kể lại câu chuyện bằng hình ảnh theo ngôn ngữ của chính mình. Tôi có thể thấy cách học này rất tốt cho sự sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ. Nhìn vào hình, bé kể lại câu chuyện thậm chí còn dài hơn và nhiều tình tiết hơn, thêm bớt tùy vào cảm nhận của trẻ. Luôn có những tình tiết bé kể từ câu chuyện mà chúng ta không thể ngờ tới'.
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Quân đánh giá: "7 đến 13 là độ tuổi vàng để phát triển thể chất, khám phá các năng khiếu thể thao, nghệ thuật. Chữ thì sớm muộn gì chẳng biết. Bé nhà tôi 4 tuổi rưỡi nhưng tôi vẫn khuyến khích cháu chơi trong khi trẻ con hàng xóm đã biết đọc tiếng Anh. Khi xem TV, những đứa biết đọc sớm đều phải nheo mắt vì mắt yếu. Nói chung, trong chuyện này không cần vội, cứ đầu tư phần cứng mạnh thì phần mềm phức tạp đến đâu cũng chạy được".
>> Bạn nghĩ thế nào về việc dạy chữ sớm cho trẻ? Chia sẻ bài viết cho trangÝ kiến tại đây.