Lupus là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường. Lúc này, thay vì tấn công các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, hệ miễn dịch lại sản xuất kháng thể tấn công chính các mô và cơ quan quan trọng của cơ thể. Đây là bệnh lý mạn tính, có thể phát triển thành biến chứng gây đau viêm ở nhiều cơ quan như tim, thận, phổi, khớp, hệ huyết học, hệ thần kinh...
Thầy thuốc ưu tú - BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh lupus ảnh hưởng đến chức năng lọc chất thải của thận. Với những trường hợp viêm thận lupus cấp, chức năng thận của người bệnh suy giảm nhanh chóng. Trong quá trình phát triển của bệnh lupus, trên 60% người bệnh có triệu chứng bất thường ở thận, tỷ lệ này ở người mắc bệnh lupus từ 8 năm là trên 80%.
Bệnh diễn biến âm thầm nhưng sẽ dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Tình trạng tổn thương thận cấp hoặc suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ phát sinh thêm các biến chứng như phù phổi cấp do quá tải tuần hoàn, rối loạn toan kiềm, rối loạn điện giải tăng kali máu, hội chứng ure huyết cấp tính... Tất cả các tình trạng này đều làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh lupus có biến chứng trên thận.
Cũng như các bệnh lý khác, việc phát hiện và điều trị sớm luôn mang đến hiệu quả tốt hơn cho người bệnh. Dù triệu chứng ở mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung, người bệnh nên thăm khám bác sĩ nếu phát hiện các dấu hiệu lupus như sưng tay sưng chân vào buổi sáng, đau sưng khớp và cơ, sốt không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, phát ban, phát ban bướm ở mặt mũi má... Về lâu dài, khi tổn thương ngày càng nghiêm trọng, các dấu hiệu của biến chứng trên thận sẽ xuất hiện như sưng tay chân cả ngày, phù toàn thân, huyết áp cao, nước tiểu sậm màu, tiểu ra máu, có đạm niệu trong nước tiểu...
Bác sĩ Tạ Phương Dung nhấn mạnh, không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận lupus. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục tiêu giảm triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, tránh phải lọc máu hoặc ghép thận. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các phương pháp điều trị dưới đây:
Điều trị bảo tồn bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng. Cụ thể, để cải thiện chức năng thận, người bệnh nên hạn chế lượng protein và muối trong chế độ ăn uống hàng ngày. Đối với việc dùng thuốc, người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc kiểm soát huyết áp như chất ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB). Ngoài ra, những thuốc huyết áp này còn ngăn không cho protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu; thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa, giảm sưng phù... Trong trường hợp người mắc bệnh thận lupus nặng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc khác để làm chậm hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh. Bác sĩ Phương Dung nhấn mạnh, các loại thuốc điều trị lupus và biến chứng trên thận có thể xuất hiện các biến chứng khác nhau, do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định và thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện bất thường.
Điều trị can thiệp được chỉ định nếu các biến chứng trên thận đã dẫn đến suy thận. Lúc này, người bệnh phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Đặc biệt, bác sĩ Tạ Phương Dung lưu ý, lupus và các biến chứng là bệnh lý cần được điều trị, theo dõi gần như suốt đời. Người bệnh vẫn cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thăm khám định kỳ, kể cả khi bệnh đã được kiểm soát tốt, dấu hiệu bệnh giảm nhiều.
Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, sở hữu những kỹ thuật mới nhất giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. |
Phi Hồng