Hội chứng thận hư là tập hợp các triệu chứng bất thường ở cầu thận do nhiều bệnh lý khác gây ra. Tình trạng này xảy ra khi lượng đạm trong nước tiểu tăng cao, giảm protein trong máu, tăng lipid máu.
BS.CKII Ngô Đồng Dũng, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phù là triệu chứng đặc trưng của hội chứng thận hư. Tình trạng này bắt đầu ở mí mắt, sau đó lan đến mặt, tay chân và cuối cùng là phù toàn thân. Điểm nhận biết phù do bất thường ở thận là phù đối xứng, cùng lúc phù ở cả hai mí mắt hoặc hai tay, hai chân. Phù sẽ dẫn đến tăng cân nhiều, người bệnh có thể tăng từ 10 -15kg.
Một dấu hiệu thường gặp khác của hội chứng thận hư là tiểu ít và nước tiểu có nhiều bọt. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như xanh xao mệt mỏi, ăn uống kém...
BS Dũng khuyến cáo nếu không được phát hiện và kiểm soát điều trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
Suy giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng: Đạm trong nước tiểu bao gồm albumin và các kháng thể miễn dịch immunoglobulin. Trong đó, albumin chịu trách nhiệm tạo ra axit keo trong động mạch để giữ nước. Khi chất này bị mất quá nhiều qua nước tiểu sẽ làm nước thoát ra mô kẽ và gây phù. Ngoài ra, khi đạm trong nước tiểu tăng cao, cơ thể cũng thất thoát một lượng lớn kháng thể miễn dịch immunoglobulin, làm suy giảm sức đề kháng. Lúc này, người bệnh dễ bị nhiễm trùng, viêm mô tế bào ở bàn tay bàn chân, viêm màng bụng nguyên phát... Để điều trị biến chứng này, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh.
Suy thận chức năng: Là biến chứng phát triển từ viêm màng bụng. Đây là tình trạng chức năng thận bị suy giảm. Tuy nhiên, may mắn là biến chứng này có thể điều trị khỏi, phục hồi chức năng thận nếu được phát hiện kịp thời.
Tăng đông máu: Theo bác sĩ Dũng, đây là biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng thận hư. Biến chứng này làm xuất hiện các cục huyết khối ở những tĩnh mạch, động mạch lớn ở thận, phổi, não... gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, nếu tắc nghẽn xảy ra ở thận sẽ làm suy giảm đột ngột mức lọc cầu thận, thận bên bị tắc tĩnh mạch to lên. Điều đáng lo ngại là biến chứng này thường diễn ra âm thầm, ít khi có triệu chứng rõ rệt. Trong trường hợp tắc nghẽn mạch máu xảy ra ở não có thể gây đột quỵ, tắc nghẽn ở mạch vành gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Tắc nghẽn động mạch ở chi dưới gây đau và tím lạnh chân, khó bắt hoặc không bắt được mạch mu chân. Một số người bệnh sẽ bị hoại tử và phải cắt cụt chi. Phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị biến chứng này là kê thuốc làm tan cục máu đông.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cho biết, phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị các biến chứng là kiểm soát tốt hội chứng thận hư, ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Để làm được điều này, các bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người bệnh.
Có hai nguyên nhân chính gây ra hội chứng thận hư là nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Cụ thể, nguyên nhân nguyên phát là những bệnh lý xảy ra tại cầu thận làm tăng lượng đạm trong nước tiểu, dẫn đến tiểu đạm. Đối với nhóm nguyên nhân gây bệnh này, bác sĩ sẽ chỉ định corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác. Nguyên nhân thứ phát là tình trạng tổn thương do các bệnh lý khác gây ra như viêm gan, lupus ban đỏ, đái tháo đường, viêm họng cấp, giang mai, HIV... Tùy từng nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, bác sĩ sẽ khắc phục các triệu chứng kèm theo như điều trị giảm phù bằng cách kê đơn thuốc lợi tiểu, giảm lượng nước nạp vào cơ thể, ăn nhạt; cho người bệnh dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể để giảm đạm niệu, bổ sung thêm protein trong chế độ ăn uống để bù lại lượng đạm đã mất đi...
Phi Hồng