Câu chuyện những bất cập của biển báo giao thông ở Việt Nam "nóng" lên mấy ngày gần đây, nhất là sau vụ việc 23 biển cấm đỗ xe ngày chẵn trên một km đường ở Lâm Đồng. Các biển báo được dựng trên vỉa hè hướng từ thị trấn D'ran đi thị trấn Phi Nôm cách nhau chừng 20 m, gây cảm giác chúng xếp lớp lên nhau.
Theo UBND huyện Đơn Dương, quốc lộ 27 đoạn qua xã Lạc Lâm có nhiều tuyến đường nhánh nối vào. Việc lắp hàng loạt biển báo tại các ngã ba giao cắt, là cần thiết nhằm ngăn xe dừng, đỗ chắn lối ra vào, ảnh hưởng giao thông. Ngoài ra, các biển báo này cũng nhằm làm căn cứ để cơ quan chức năng xử lý vi phạm, tránh trường hợp tài xế viện lý do đi từ đường nhánh ra nên không thấy biển cấm.
Điều đó có nghĩa là, việc lắp đặt biển báo như vậy không sai về luật, nhưng lại thiếu phù hợp với giao thông thực tế. Nó cho thấy đơn vị quản lý chưa đặt mình vào vị trí của người lái xe để hiểu cảm giác rối mắt, khó chịu của họ. Tôi nghĩ đây cũng là nỗi nhức nhối suốt nhiều năm qua với người tham gia giao thông ở Việt Nam.
Tại nhiều tuyến đường trên cả nước, không khó để bắt gặp những biển báo giao thông bị che khuất hoặc đặt ở vị trí khó quan sát. Trong khi đó, một số tuyến đường lại có quá nhiều biển báo với nội dung dày đặc, khiến tài xế phải căng mắt nhận diện thông tin trong thời gian ngắn. Những bất cập này đang trở thành nỗi ám ảnh với cánh tài xế, đặc biệt là những người không quen đường.
>> Hàng loạt ôtô 'dính' biên bản dù biển cấm to và dễ nhìn
Biển báo ra đời để hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng luật, nên nó cần phải rõ ràng, dễ nhận diện, chứ không phải làm khó, vô tình đẩy tài xế vào tình huống vi phạm. Có lần đi trên đường, tôi thấy hoa mắt, rất bực mình vì một loạt biển báo cắm chi chít trong một không gian nhỏ: từ biển hướng dẫn chỉ đường bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, biển cấm rẽ, biển giới hạn tốc độ, đến biển giám sát bằng camera... buộc tài xế phải xử lý thông tin trong vài giây khi đang di chuyển.
Trong khi đó, chữ trên biển lại nhiều quá, sát nhau, muốn đọc hết phải mất vài giây, nhưng chạy nhanh thì không kịp, mà chạy chậm lại dễ bị xe sau bấm còi, rất áp lực. Ban ngày đã vậy, ban đêm tìm và đọc biển báo càng là nỗi ám ảnh hơn với cánh tài xế. Lại có những khu vực biển nằm sâu sau lùm cây, chỉ có thể thấy khi tài xế đã đi sát đến nơi. Nếu không giảm tốc kịp thời, nguy cơ bị phạt nguội là rất cao. Lái xe gặp mấy biển báo như vậy chẳng khác nào đánh đố.
Có một điều mà tôi vẫn luôn thắc mắc, đó là ở ta đến nay vẫn không có phương án kẻ vạch dưới đường thay vì dùng biển báo tràn lan? Nhiều nước phát triển trên thế giới đã sử dụng cách này để tài xế dễ dàng quan sát, không phải nghìn ngang nhìn ngửa, gây mất tập trung.
Tóm lại, tất cả tùy thuộc vào cái tâm của cơ quan quản lý. Chứ cứ với ma trận biển báo, chỗ cắm chi chít, chỗ biển "núp lùm" như hiện nay, e rằng những tài xế như tôi chỉ còn nước cầu may để mình không bỏ sót cái biển nào rồi sau đó ngã ngửa khi vi phạm lúc nào không hay?
Hà Thành
- 'Biển báo đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương đánh đố tài xế'
- Lái ẩu trên cao tốc nhưng đổ tại đường sá, biển báo
- Tài xế Việt 'tay lái xe, mắt tìm biển báo'
- 'Việt Nam cần lắp đặt rất nhiều biển báo giao thông Stop'
- Vị trí đặt biển báo giao thông khiến tôi khó đi đúng luật
- Biển báo đánh đố 'bẫy' tài xế Việt