Ông Minh bị tiểu khó một năm nay, gần đây bụng phình to, đau, không thể đi tiểu. Ngày 3/2, thạc sĩ, bác sĩ Phan Đức Hữu, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Minh cần được đặt ống thông để dẫn lưu nước tiểu dồn ứ trong bàng quang ra ngoài. Ảnh chụp cộng hưởng từ (CT) cho thấy thể tích tuyến tiền liệt của người bệnh phì đại tới 95 ml, gần gấp 4 lần bình thường. Đây là nguyên nhân chèn ép bàng quang và niệu đạo, gây nghẽn lưu thông nước tiểu, khiến ông Minh bị tiểu khó rồi bí tiểu hoàn toàn.
Thể tích tuyến tiền liệt của người bệnh quá lớn, không thể điều trị bằng thuốc nên được chỉ định nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo bằng laser. Bác sĩ Hữu đưa thiết bị laser qua niệu đạo vào xuyên qua vỏ bao tuyến tiền liệt, tiếp cận mô tuyến tiền liệt phì đại. Quan sát trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, bác sĩ điều khiển thiết bị laser lần lượt cắt mô tuyến tiền liệt thành những mảnh nhỏ rồi hút sạch ra ngoài. Sau 45 phút, ca phẫu thuật hoàn thành.
Ông Minh xuất viện sau hai ngày, ít đau, có thể ăn uống và đi lại bình thường. Theo bác sĩ Hữu, phẫu thuật đã lấy đi phần lớn mô tuyến tiền liệt của người bệnh nên tình trạng phì đại khó có khả năng tái phát.
Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, nằm ngay dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo. Tăng sinh hay phì đại lành tính tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Các triệu chứng có xu hướng nặng dần theo mức gia tăng thể tích của tuyến này. Người bệnh có thể tiểu nhiều lần vào ban đêm, tiểu gấp, són tiểu, tiểu khó, lắt nhắt, tiểu xong muốn đi tiếp, dòng nước yếu hay bí tiểu.
Để điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, bác sĩ căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của triệu chứng đến người bệnh. Nếu tuyến tiền liệt lớn nhưng không gây ra triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể chỉ theo dõi, chưa cần can thiệp. Trường hợp người bệnh bí tiểu phải nhập viện cấp cứu và điều trị để tránh tái phát. Nếu không điều trị, tình trạng tắc nghẽn nước tiểu lâu ngày có thể phát sinh một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần, tăng nguy cơ hình thành sỏi bàng quang, giãn bàng quang, trào ngược lên thận gây ứ nước thận, thậm chí suy giảm chức năng thận.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị từ không xâm lấn đến xâm lấn nhiều như dùng thuốc, nút mạch tuyến tiền liệt, nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo, nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser holmium (HoLEP), phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt toàn phần. Tùy tình trạng sức khỏe, thể tích tuyến tiền liệt, bác sĩ chỉ định phù hợp cho người bệnh.
Bác sĩ Hữu khuyến cáo nam giới trên 50 tuổi đang gặp các triệu chứng rối loạn tiểu cần đi khám, được chẩn đoán nguyên nhân để có biện pháp theo dõi và can thiệp phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |