Cụ Nanjundaswamy, sống tại Bengaluru, đã trải qua ba cuộc phẫu thuật, đánh bại căn bệnh ung thư ruột kết. Cụ ông hiện đủ khỏe để tham gia cuộc bầu cử vừa kết thúc ở Karnataka. Bác sĩ Shabber Zaveri, Giám đốc khoa Phẫu thuật Ung thư, Bệnh viện Manipal, nhận định tinh thần, trạng thái tích cực và ý chí sống của Nanjundaswamy đã giúp ông có sức khỏe dẻo dai.
Từng đảm nhận vị trí giám đốc khi còn trẻ, Nanjundaswamy không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, ngoại trừ khiếm thính. Tháng 12 năm ngoái, ông có triệu chứng đau vùng hậu môn và phải đến bệnh viện. Ban đầu, bác sĩ kê cho ông thuốc kháng sinh để điều trị mụn nhọt. Tình trạng này tạm thời thuyên giảm, nhưng quay trở lại sau một tháng với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Lúc này, bác sĩ mới phát hiện ông bị ung thư biểu mô vùng đáy chậu.
"Kết quả soi đại tràng sigma cho thấy khối u tế bào vảy trong ruột kết. Đại tràng sigma là phần hình chữ S của ruột già dẫn vào đại tràng", bác sĩ Mohammad Bashiruddin Inamdar, chuyên khoa phẫu thuật ung thư, cho biết.
May mắn, đây là những khối u phát triển ở giai đoạn đầu, chưa thể lây lan. Ông Nanjundaswamy chỉ cần phẫu thuật, không phải làm hóa trị hay xạ trị bổ sung. Trong khi bác sĩ vẫn lo lắng, Nanjundaswamy tỏ ra mạnh mẽ, năng động và có ý chí vững vàng.
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 17/3, giúp loại bỏ ba khối u, cắt bỏ một phần đại tràng, tạo một đường dẫn xung quanh bàng quang. Ban đầu, cụ ông hồi phục tốt. Tuy nhiên sau đó, nồng độ oxy của ông giảm xuống, phát triển tình trạng nhiễm trùng, tích tụ chất lỏng trong phổi. Các bác sĩ phải mở khí quản của Nanjundaswamy, đưa một ống thông vào để giúp ông hô hấp và đặt thêm một ống thực quản giúp ông ăn uống dễ dàng hơn. Ông được đặt nội khí quản và nằm trên giường trong 45 ngày, nhưng ý chí kiên cường đã giúp Nanjundaswamy vượt qua toàn bộ quá trình không mấy dễ chịu.
Nhiều người nghĩ rằng cụ ông Nanjundaswamy sống sót nhờ sự may mắn và một phép màu kỳ diệu. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết lối sống kỷ luật, chế độ ăn kiêng, tập thể dục mới là chìa khóa giúp ông vượt qua bạo bệnh.
"Bạn có thể lập lịch trình cố định dựa vào các hoạt động hàng ngày của cha tôi. Ông ấy chưa bao giờ bỏ một buổi đi bộ nào. Ông quyết liệt, độc lập, sẵn sàng làm mọi thứ để nâng cao sức khỏe", Aruna, con gái ông Nanjundaswamy nói, thêm rằng người đàn ông ăn chay cả đời, đến năm 99 tuổi vẫn đi bộ ra ngân hàng, rút tiền, mua rau và tự nấu ăn cho mình.
Các nghiên cứu trước đó cho biết đi bộ có thể kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức mạnh xương khớp, cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu do Đại học Cambridge thực hiện, công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, chỉ ra rằng đi bộ nhanh 11 phút mỗi ngày, gần 75 phút mỗi tuần giúp ngăn ngừa 10% số ca tử vong sớm trên toàn thế giới.
Các chuyên gia đã phát hiện đi bộ nhanh, khiêu vũ, đạp xe, chơi quần vợt hoặc đi bộ đường dài đều có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong sớm vì bệnh tim mạch và một số loại ung thư đầu cổ, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.
Hoạt động thể chất cường độ vừa phải được định nghĩa là những hoạt động làm tăng nhịp tim, nhịp thở, nhưng không làm mọi người thở gấp hoặc quá mất sức.
"Đối với những người nhận thấy mục tiêu hoạt động thể chất 150 phút một tuần hơi khó khăn, thì phát hiện mới của chúng tôi là tin tốt lành. Bạn chỉ cần tập luyện 75 phút mỗi tuần, tăng dần lên theo thời gian để giảm tỷ lệ tử vong", tiến sĩ Søren Brage, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC) của Cambridge, cho biết.
Bên cạnh kỷ luật trong cuộc sống, các bác sĩ cho biết tinh thần ổn định của ông Nanjundaswamy cũng giúp nâng cao tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật. Thời trẻ, ông đã kiên trì theo đuổi các sở thích và đam mê. Ông từng là nhiếp ảnh gia, họa sĩ, cầu thủ, vận động viên bơi lội xuất sắc.
"Ông ấy yêu khoa học và toán học, dạy nhiều trẻ em. Ông có phòng tránh ảnh của riêng mình, thích nhạc cổ điển, thanh nhạc và nhạc cụ", Aruna nói thêm.
Các nghiên cứu về tuổi thọ cho thấy, việc gắn bó với sở thích, công việc hàng ngày, gia đình và bạn bè giúp tăng khả năng sống lâu hơn ở người cao niên. Sau khi tìm hiểu về các Vùng Xanh trường thọ trên thế giới, các chuyên gia kết luận những người sống trăm tuổi trong các cộng đồng này duy trì mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ, sống gần gũi với gia đình và tin tưởng những người hàng xóm.
Thục Linh (Theo Indian Express)