Thận có chức năng lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Cơ quan này cũng duy trì sự cân bằng các khoáng chất trong cơ thể, giải phóng hormone và kiểm soát huyết áp.
Bệnh thận giai đoạn đầu thường có rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện một số vấn đề trên da khi chức năng thận suy giảm, khiến chất thải tích tụ trong máu.
Ngứa da
Ngứa liên quan đến bệnh thận mạn tính (CKD-aP) được gọi là ngứa do urê huyết. CKD-aP không gây phát ban nhưng da có thể đỏ và kích ứng do gãi liên tục. Ngứa có thể xuất hiện khắp cơ thể hoặc tập trung nhiều hơn ở lưng, mặt và cánh tay.
Mức độ ngứa khác nhau ở mỗi người. Một nghiên cứu trên hơn 4.400 người tại ba châu lục đăng trên tạp chí Thận học Mỹ năm 2023 cho thấy hơn một nửa thi thoảng bị ngứa do CKD-aP. Tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hội chứng chân không yên và các tác động đến sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm.
Khô da
Bệnh thận ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn, khiến độ pH của da thay đổi. Điều này làm giảm lượng lipid và độ ẩm tổng thể của da. Da khô, có vảy đôi khi xảy ra cùng với các chất lắng đọng giống như tinh thể tích tụ trên da. Tình trạng này không phổ biến nhưng có thể gặp ở người bệnh suy thận không chạy thận nhân tạo.
Phù nề
Khi thận không hoạt động bình thường, chất lỏng và muối không thể đào thải khỏi cơ thể, dẫn đến hiện tượng phù nề. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào nhưng phổ biến ở bàn chân, cẳng chân và bàn tay. Phù nặng khiến da trông căng bóng.
Phát ban
Bệnh da xuyên thủng mắc phải (APD) là loại phát ban do bệnh thận, xuất hiện ở một số người bệnh sau khi bắt đầu chạy thận nhân tạo. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ về cách phát ban phát triển. Có thể do da bị kích ứng khi gãi, nhất là người tiểu đường, hoặc do lắng đọng muối canxi trên da gây ra các nốt cứng. Người bệnh thường ngứa, có các nốt u da hình vòm, cứng. Các mụn nước chứa đầy dịch, tình trạng da dày lên và sẫm màu cũng có thể xảy ra ở người bệnh thận.
Cặn canxi dưới da
Cặn canxi dưới da cũng có thể gây ra các u cứng màu trắng, thường ở các khớp hoặc trên đầu ngón tay. Tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể liên quan đến triệu chứng này. Ở bệnh thận giai đoạn cuối, các cặn canxi cũng có thể ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan khác.
Để chẩn đoán vấn đề về da do bệnh thận, bác sĩ có thể kiểm tra biểu hiện ngoài da, tiền sử bệnh và sinh thiết da (lấy mẫu da để phân tích trong phòng thí nghiệm). Người đang chạy thận nhân tạo có nguy cơ mắc một số loại ung thư da cao hơn. Người được ghép thận có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
Điều chỉnh lối sống giúp giảm triệu chứng trên da như mặc quần áo mềm, tắm không quá 20 phút để không khô da, tránh chất gây kích ứng da, sử dụng dầu và kem dưỡng ẩm không chứa chất tạo mùi thơm. Với các vấn đề cụ thể về da, bác sĩ điều trị phù hợp như dùng thuốc uống, kem bôi da nếu ngứa da do ure huyết.
Các nốt trắng dưới da do cặn canxi gây ra có thể điều trị bằng cách giảm lượng phốt pho hấp thụ. Thực phẩm giàu phốt pho là các sản phẩm từ sữa, cá, gà, đậu lăng, hạt điều, khoai tây. Khi nồng độ phốt pho trong máu trở lại bình thường, các nốt thường tự biến mất. Với bệnh da xuyên thủng mắc phải, một số lựa chọn điều trị bao gồm dùng thuốc kháng histamin, liệu pháp quang học, liệu pháp đông lạnh (làm đông mô để loại bỏ), phẫu thuật loại bỏ mô chết...
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |