Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da, điều trị bằng kháng sinh và thuốc bôi gần 10 ngày không khỏi. Trong miệng bé nổi thêm nhiều mụn nước tương tự, người nhà đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 19/12, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, cho biết mụn lan nặng nhất ở mặt, da đầu, cổ, bụng, lưng, chân của bệnh nhi. Mụn trong miệng còn mới, trong mụn có nước giống như nốt bỏng; ở các vùng khác đã khô đang đóng mày, gần lành hẳn. Mụn mọc nhiều nhất ở vùng mũi, miệng trẻ, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh chốc (còn gọi là chốc lở), kèm sẩn ngứa.
Chốc là bệnh nhiễm khuẩn da phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Vị trí thường bị chốc là vùng da hở như mặt, hai bên má, xung quanh mắt, mũi, miệng, họng, da đầu, tay chân. Bệnh gây ngứa, gãi khiến phát tán vi khuẩn đến các phần khác của cơ thể.
Thông thường các mụn nước lành trong 10 ngày. Tuy nhiên, em bé này đã điều trị bằng kháng sinh nhưng bệnh vẫn không hết có thể do sức đề kháng yếu, bé đổ mồ hôi nhiều hoặc giữ vệ sinh chưa tốt nên bệnh kéo dài.
Bé Dương được bác sĩ cho thuốc chống ngứa bôi trong miệng, kháng sinh. Vùng mụn đã khô ngừng bôi xanh methylen để tự lành. Phụ huynh được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà. Sau một tuần điều trị, bé hết ngứa, mụn nước ở miệng đã khỏi.
Bác sĩ Bích cho biết bệnh chốc thường do nhiễm liên cầu khuẩn hay vi khuẩn tụ cầu vàng. Các yếu tố thuận lợi dễ phát sinh bệnh là thời tiết nóng bức, trẻ đổ mồ hôi nhiều, da ẩm ướt, da trầy xước, điều kiện vệ sinh kém hoặc có bệnh da phối hợp như viêm da cơ địa, nhiễm ký sinh trùng (chấy, rận, ghẻ), côn trùng đốt... Trẻ thường vui chơi, sinh hoạt chung với nhau ở lớp nên bệnh dễ lây lan.
Dấu hiệu đầu tiên của chốc là các sẩn hồng ban hoặc dát đỏ, kích thước 0,5-1 cm, nằm rải rác. Sau đó bóng nước nhanh chóng phát triển trên dát đỏ, to bằng hạt đậu trở lên, chứa dịch màu vàng trong. Khoảng 24 giờ sau bóng nước chuyển thành dịch đục và hóa mủ, trong dịch chứa nhiều vi khuẩn. Bọng nước vỡ tự nhiên hoặc do cào gãi và đóng vảy tiết màu vàng. Xung quanh vảy tiết thường có một viền vảy mỏng, hơi lõm ở trung tâm.
Trẻ có thể sốt cao nếu tổn thương nhiễm trùng hoặc bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, vi trùng khác). Vảy tiết bong đi để lại nốt màu hồng, nhẵn, sau đó lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ tăng sắc tố.
Bác sĩ Bích lưu ý bệnh không được chữa trị hoặc điều trị không đúng có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng. Nghiêm trọng hơn, chốc có thể biến chứng tại chỗ thành chàm hóa (các mụn nước tập trung thành từng đám, phân bố quanh tổn thương chốc hoặc rải rác khắp cơ thể, ngứa nhiều); chốc loét (vết chốc sau khi vỡ để lại vết loét sâu dưới da, có thể rộng trên 2-3 cm, gây tổn thương lâu lành, để lại sẹo xấu). Bệnh có thể biến chứng toàn thân như viêm hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp.
Để phòng bệnh, bác sĩ Bích khuyến cáo phụ huynh tăng cường sức đề kháng, vệ sinh cho trẻ, nhất là sau khi mắc bệnh do virus như sởi. Tránh ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng; giữ da trẻ khô ráo, sạch sẽ, thường xuyên cắt ngắn tóc, móng tay chân. Khi trẻ mắc chốc, hạn chế để trẻ gãi trầy xước vết thương. Các đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn... nên được dùng riêng, giặt sạch để tránh lây lan.
Bệnh thường cần điều trị bằng kháng sinh và theo dõi chặt chẽ. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường thay vì tự điều trị tại nhà.
Anh Thư