"Tôi làm quản lý suốt bao nhiêu năm qua, thường xuyên tham gia và tư vấn về việc lựa chọn nhân sự cho công ty. Thực tế, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chọn tuyển dụng theo tuổi tác, hay quan tâm tới việc ứng viên đã lập gia đình hay chưa?
Công ty tôi chuyên về sản xuất, có nhiều phân xưởng và nhiều công việc cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Số lượng công nhân trên 40 tuổi trong doanh nghiệp rất nhiều, vì họ vào công ty từ những năm 2005 cho tới nay. Công bằng mà nói, những người này làm việc rất cẩn thận, có tinh thần trách nhiệm cao, còn hơn cả lớp trẻ.
Còn bây giờ, không rõ vì chạy theo phong trào hay gì, mà tôi thấy các doanh nghiệp trong nước chỉ ưa tuyển nhân sự dưới 35 tuổi và chưa lập gia đình. Điều đó cho thấy chủ doanh nghiệp có tư duy khá thiển cận. Thử hỏi, như vậy thì làm sao doanh nghiệp phát triển bền vững được? Bởi cuối cùng, người lao động của những công ty đó cũng sẽ không gắn bó và hết mình vì công việc.
Một số doanh nghiệp mà tôi biết đăng tuyển mới công nhân liên tục, ưu tiên người trẻ, không cần kinh nghiệm. Lý do chính là vì họ muốn cho những nhân sự lâu năm nghỉ việc để tuyển người mới với mức lương thấp hơn, qua đó cắt giảm chi phí vận hành".
Đó là quan điểm của độc giả Đình về xu hướng tuyển dụng hiện nay của nhiều doanh nghiệp trong nước. Thị trường lao động 2025 đang chứng kiến làn sóng cắt giảm quy mô lớn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp siết chặt tuyển dụng, đồng nghĩa nhóm người lao động trên 30 càng khó khăn hơn. Kỳ thị tuổi tác trong tuyển dụng chủ yếu xuất phát từ nỗi lo chi phí nhân sự, bởi ứng viên ngoài 30 tuổi thường đề nghị mức lương cao hơn, khiến nhà tuyển dụng e ngại. Một số lãnh đạo còn lo ngại ứng viên lớn tuổi đã định hình tư duy, khó tiếp thu cách làm việc mới, bị vướng bận gia đình nên không thể công tác xa.
>> 'Tuổi 40 bị công ty đối xử như người thừa'
Trong khi đó, với góc nhìn khác, bạn đọc Rkkdbrnvkn lại thông cảm cho xu hướng tuyển nhân sự trẻ của các doanh nghiệp: "Cái gì cũng vận hành theo quy luật cung - cầu cả thôi, nên tôi không thấy ngạc nhiên khi các doanh nghiệp thích tuyển người trẻ. Các nước phát triển thì dân số già, nên người ta vẫn sử dụng lao động 70-80 tuổi, chưa kể ở độ tuổi đó họ vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Một số công việc phù hợp với người lao động lớn tuổi thì doanh nghiệp vẫn chấp nhận tuyển dụng thôi.
Còn ở nước ta, khi tuyển dụng, hồ sơ cả ngàn người nộp, thì nhà tuyển dụng có nhiều sự lựa chọn là chuyện dễ hiểu. Chừng nào tuyển không được người thì họ sẽ buộc phải hạ thấp tiêu chí tuyển dụng, nâng cao độ tuổi yêu cầu hoặc buộc phải tăng lương để thu hút người lao động".
Lý giải cho xu hướng giới hạn độ tuổi khi tuyển dụng nhân sự, độc giả Hongvanxhh cho rằng: "Theo tôi, đa phần các doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân sự trẻ là để trả lương thấp. Lướt hết một vòng tuyển dụng có giới hạn độ tuổi, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy mức lương trung bình mà các doanh nghiệp chi trả không hề cao.
Bản thân tôi đã nghỉ việc mấy năm nhưng lười xóa hồ sơ trên các trang tuyển dụng. Và tôi vẫn thấy có thư mời ứng tuyển được gửi đến đều đặn, tới mức phải chặn bớt. Điều này chứng tỏ, không phải 8X, 9X đã 'hết thời', mà có thể các bạn chưa tìm đúng nơi phù hợp mà thôi. Vẫn còn rất nhiều công ty thực sự cần nhân sự dày kinh nghiệm.
Bản thân tôi khi đọc qua thông tin mời ứng tuyển của một số công ty, cũng nhận thấy các doanh nghiệp này có quy mô từ vừa đến lớn. Họ cần một lượng nhân sự đủ mạnh để duy trì đà tăng trưởng của mình, thay vì mất thời gian đào tạo nhân sự trẻ. Thậm chí, họ vẫn thuê nhân sự có kinh nghiệm vững chắc để bắt tay vào việc ngay, đem lại kết quả nhanh. Thế nên, những ai đang nản chí khi tìm việc hãy tin rằng chỉ là mình chưa gặp đúng nơi cần các bạn mà thôi".
Gợi ý hướng đi cho người lao động trên 30 tuổi trong bối cảnh cạnh tranh việc làm gay gắt, bạn đọc Thietkn nhận định: "Phía nhà tuyển dụng đương nhiên sẽ cần nhân sự phù hợp với công việc, và chi phí phải hợp lý. Trong khi đó, người lao động lại luôn muốn bán được sức lao động với giá tốt, nhất là với những người trên 30 tuổi, cơ bản là có kinh nghiệm, hiểu biết và mang lại nhiều giá trị cho công ty hơn các bạn trẻ.
Ở đây, hai bên chưa gặp được nhau chủ yếu vì vấn đề chi phí lương, thưởng. Theo nguyên tắc thị trường, bên nào cần hơn thì sẽ chịu thiệt một chút. Với thời điểm hiện nay, cơ hội việc làm bị thu hẹp, theo tôi, người lao động trên 30 tuổi cần cân nhắc giảm lương để tăng khả năng thành công khi tìm việc".
Sự ra đời của công nghệ hiện đại, AI thay thế nhiều trong lĩnh vực, lao động trung niên phải đối mặt với "sự lu mờ trước thế hệ lao động mới mang tên Gen Z". Thống kê đến 2030, Gen Z chiếm 33% lực lượng lao động Việt Nam. Với thế mạnh công nghệ, nhạy bén tư duy và tiếp cận dễ các đối tượng tiêu dùng trẻ, nhiều người trẻ đang nhìn thấy và dẫn dắt, làm chủ thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, IT hay logistic.
- Doanh nghiệp thích tuyển U30 nhưng người trẻ mê làm xe ôm công nghệ
- Mất việc tuổi 45, tôi phải xin đi phục vụ quán cà phê
- 8X không xin nổi việc dù lương mong muốn chỉ hơn Gen Z 5 triệu đồng
- Tuổi 30 'khó xin việc vì Gen Z'
- 'U30 đi xin việc bị chê già'
- 'Tuổi 40 xin việc vì bị chê già'