Thời gian qua, có rất nhiều bài viết đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp không tuyển được lao động hoặc người lao động không xin được việc? Dưới góc nhìn của một người tìm việc cũng từng tuyển dụng nhân sự, tôi thấy bức tranh thị trường hiện nay có mấy điểm như sau:
1. Về doanh nghiệp và các công ty tuyển dụng:
Kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19 và những bất ổn chính trị trên thế giới, đã làm cho không ít doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, sa thải hàng loạt. Các doanh nghiệp còn lại trên thị trường có thể chia làm ba nhóm:
Doanh nghiệp có thâm niên và chính sách phúc lợi đãi ngộ tốt: họ đã cơ cấu bộ máy sao cho phù hợp với tình hình thực tại nên nhu cầu tuyển dụng hầu như không có. Với một doanh nghiệp như vậy, người lao động cũng không dễ gì từ bỏ, xin nghỉ việc.
Doanh nghiệp trẻ mới thành lập (dưới 5 năm): do mới hình thành nên năng lực tài chính còn khá yếu, sếp đa phần là người trẻ dưới 30 tuổi nên cái nhìn của họ về thị trường lao động chưa sâu. Họ mang tư duy kinh doanh cạnh tranh phá giá, muốn khai thác sức trẻ nên yêu cầu tuyển dụng một vị trí ôm nhiều đầu việc (trưởng phòng ôm việc nhân sự cả phòng), người trẻ (chỉ tuyển dưới 30 tuổi) nhưng kinh nghiệm phải cỡ 10 năm đi làm, đặt KPI bất hợp lý ở nhiều ngành nghề mang tính sáng tạo (thiết kế, phụ trách công việc)...
Đa phần các công ty này đều mang một đặc điểm chung là không tuyển người trên 30-35 tuổi và mức lương luôn thấp hơn 20 triệu đồng một tháng cho vị trí quản lý, dưới 15 triệu cho nhân viên có kinh nghiệm trên ba năm... Trong khi đó, mặt bằng lương cho những vi trí tuyển dụng đó phải cao hơn rất nhiều.
Doanh nghiệp có thâm niên, sa thải nhiều và giờ thiếu hụt nhân sự: họ đăng tuyển liên tục theo thời vụ, tùy vào tính chất công việc mà doanh nghiệp ký được. Sau khi kết thúc hợp đồng đó, họ sẵn sàng sa thải ngay nhân viên nếu không tìm được nguồn khách hàng mới. Những doanh nghiệp kiểu này sẽ có tần suất đăng tuyển liên tục, chỉ cách nhau vài tháng. Chính sách lương và chế độ phúc lợi hay đãi ngộ ở đây sẽ theo dòng thời gian và tùy biến giữa hai hình thức doanh nghiệp trên. Về cơ bản, nó không mang tính ổn định, nhân sự muốn có việc làm phải chấp nhận công việc tăng ca không lương hay lương thấp hơn trước đó.
>> Sinh viên mới ra trường đòi tôi trả lương 25 triệu
2. Về người lao động:
Tốc độ lạm phát sau dịch tới nay tăng cao. Sinh hoạt phí tăng rất nhiều (gấp rưỡi so với trước đây) trong khi mức lương tuyển dụng lại suy giảm. Nhiều người phải ôm ba, bốn đầu việc, phải chịu chèn ép (chịu thêm 10% thuế khi thử việc, tăng ca không lương, hết việc chứ không hết giờ, thưởng không có, nợ chính sách bảo hiểm, chỉ tuyển dưới 30 tuổi...). Điều đó khiến cho người lao động trẻ không mặn mà vì có nhiều công việc tay chân, thời vụ khác không gò bó mà thu nhập bằng hoặc cao hơn như shipper, xe ôm công nghệ...
Còn với người lao động có kinh nghiệm và thâm niên lại bị rào cản bởi tuổi tác hoặc chọn con đường khác để đi vì lương và chế độ đãi ngộ đã quá bạc. Càng lớn tuổi không ai thích bay nhảy như khi mới ra trường. Một môi trường làm việc khắc nghiệt sẽ khó thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng cao.
Chính vì những điều trên nên nhiều người cứ ca cẩm về tuyển dụng lao động hiện nay. Thậm chí, bạn càng nhiều kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn, vượt trội nhiều mặt so với sếp của doanh nghiệp thì càng khó tìm được một công việc. Sếp trẻ cái tôi khá lớn, khó chấp nhận một nhân viên đáng tuổi anh mình và giỏi hơn mình. Họ sợ mất thể diện (trong xưng hô), không quản lý được, hoặc xung đột trong cách giải quyết xử lý công việc giữa các thế hệ...
Để giải quyết được những vấn đề chênh lệch trên thật sự rất khó, đó là một bài toán lớn về ổn định môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, kiểm soát mặt bằng giá cả chi phí sinh hoạt. Chỉ khi nào mức lương và đãi ngộ đảm bảo cho người lao động an tâm cống hiến thì mới hạn chế được thực trạng trên. Mà muốn như thế thì môi trường kinh doanh phải thực sự vững mạnh để doanh nghiệp ổn định, có nguồn tài chính nuôi quân.
Việt Nam có 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức chống chọi rất yếu với sự biến động môi trường kinh doanh. Một doanh nghiệp có tuổi đời trên 5 năm có khi bằng cả chục doanh nghiệp mới thành lập (nếu tính về nhân sự). Nay mở công ty, mai đóng cửa dẹp rồi sau đó mở công ty khác khi kiếm được khách hàng sẽ tạo nhiều bất cập cung cầu cho thị trường lao động.
- 'Gen Z không còn hạ mình đi xin việc như thế hệ trước'
- Tôi bị sốc vì ứng viên Gen Z chê công ty trong buổi phỏng vấn xin việc
- Xin việc công cốc vì 'vài giây liếc mắt loại một CV'
- 'Phỏng vấn 30 Gen Z, không tuyển được người nào'
- Công ty tôi loại thủ khoa không biết tiếng Anh từ vòng đầu phỏng vấn
- Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không