Dạo gần đây, tình hình thất nghiệp trở nên phổ biến. Nhiều người chia sẻ, dù đang là mùa tuyển dụng đầu năm, nhưng vẫn rất khó tìm thấy công việc phù hợp. Thực ra, các công ty vẫn tin bài tuyển nhân sự liên tục. Nhưng người lao động lại than trời vì không tìm được công việc phù hợp.
Trên nhiều diễn đàn review, có không ít bài đăng chia sẻ rằng các công ty hiện nay đa số đều tăng số lượng công việc mà một người phải đảm nhận, nhưng lại giảm lương rất nhiều so với mặt bằng chung mấy năm trước. Nhiều mô tả công việc yêu cầu hằng hà sa số thứ, cần kinh nghiệm 3-4 năm, nhưng mức lương được trả lại chỉ bằng, thậm chí là thấp hơn mức của mấy bạn mới ra trường chưa có kinh nghiệm.
Nhiều người cảm thấy sốc và không chấp nhận lời mời nhận việc cũng vì lý do đó. Vài người khác bấm bụng đồng ý với suy nghĩ "dù sao cứ có việc làm để kiếm tiền chi tiêu qua giai đoạn khó khăn trước mắt rồi tính sau". Chưa kể, nhiều bạn còn chia sẻ những chuyện dở khóc dở cười trong các buổi phỏng vấn, khiến họ phải "hoài nghi về nhân sinh".
Hôm trước, qua một buổi cà phê, cô bạn thân của tôi cũng có những chia sẻ rất dài sau nhiều buổi phỏng vấn thất bại. Cô đã có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, cũng thuộc dạng thông minh và chịu khó học hỏi. Đợt rồi, công ty cũ ngừng hoạt động, nên cô bạn tôi buộc phải đi tìm việc mới. Những tưởng với kinh nghiệm đã tích lũy, cùng bằng cấp "không phải dạng vừa" từ trường thuộc top đầu cả nước, cô sẽ dễ dàng tìm được một công việc mới. Ấy vậy mà, những buổi phỏng vấn đều kết thúc không mấy trọn vẹn.
Cô kể, có công ty kia yêu cầu ứng viên trên 5 năm kinh nghiệm, cũng không thấy giới hạn tuổi tác gì trong bài đăng tuyển. Vậy mà khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thấy cô đã gần 30 tuổi liền đặt câu hỏi: "Tuổi này tại sao vẫn còn đi tìm việc?".
Cô bạn tôi bất ngờ khi nghe thấy điều đó, nghĩ bụng "bây giờ có cả quy định tuổi được đi tìm việc nữa sao? Chưa kể, sinh viên 23 tuổi mới ra trường, công ty lại yêu cầu kinh nghiệm hơn 5 năm, thì tìm đâu ra người nhỏ tuổi hơn thỏa mãn? Nếu công ty cho rằng gần 30 tuổi thì không ai đi tìm việc, vậy tại sao lại viết yêu cầu tuyển dụng cần nhiều năm kinh nghiệm như thế?".
>> 'Gen Z bị chê non, 8X bị chê già'
Lần khác, một HR của công ty có quy mô gần 500 nhân viên, sau khi nhìn tuổi của bạn tôi, chợt hỏi: "29 tuổi, vậy em đã có gia đình chưa?". Cô bạn tôi đáp: "Dạ chưa". Người kia lại hỏi tiếp: "Thế khi nào em có ý định lập gia đình?". Đoán công ty đang lo lắng vấn đề nhân viên nghỉ thai sản, nên cô bạn tôi liền trả lời: "Hiện tại em vẫn đang độc thân, không có người yêu, nên chưa có kế hoạch kết hôn hay sinh con", đồng thời khẳng định "thời điểm hiện tại chỉ muốn tập trung để phát triển công việc của bản thân, nên sẽ gắn bó lâu dài để cống hiến nếu hai bên đều cảm thấy phù hợp".
Những tưởng với câu trả lời gãy gọn, rõ ràng như thế, mình sẽ nhận được cái gật đầu từ phía nhà tuyển dụng, nhưng ai ngờ tới, thứ bạn tôi nhận được là một tràng hỏi liên thanh từ người phòng vấn với đôi mắt trợn tròn ngạc nhiên: "Em là con gái, đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, chưa có người yêu, thế em không muốn ổn định à? Tuổi này còn nhảy việc, phải chăng em bay nhảy quá? Chị sợ em không thể gắn bó lâu dài với công ty". Khỏi phải nói, cô bạn tôi sững sờ thế nào trước những gì vừa nghe được.
Quả là nhiều nhà tuyển dụng bây giờ cũng khó hiểu thật: thấy ứng viên nữ lớn tuổi thì sợ người ta kết hôn, sinh con, rồi nghỉ thai sản; còn người ta không kết hôn thì lại cho rằng con gái lớn tuổi vậy mà chưa ổn định gia đình thì sẽ không gắn bó lâu dài cùng công ty. Quan điểm bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận việc làm lại được đưa ra từ những người cùng giới tính nữ, nghe thật xót xa.
Không thể phù nhận là có nhiều ngành nghề hay vị trí việc làm, cần sức khỏe tốt hoặc là phải làm trong môi trường độc hại, sẽ không phù hợp với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, hoặc nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, bạn tôi chỉ ứng tuyển các công việc văn phòng, làm giờ hành chính, thì lấy lý do giới tính và tuổi tác, cũng như vấn đề lập gia đình để từ chối, thật sự khó lòng chấp nhận. Có vẻ, lao động nữ, càng lớn tuổi thì tìm được việc làm càng khó khăn hơn nam giới chăng? Dĩ nhiên là ngoại trừ những người thực sự xuất sắc, những chuyên gia đầu ngành.
Tôi không rõ tình hình thực tế trong các buổi phỏng vấn của cô bạn thế nào? Có lẽ bạn chưa phù hợp với yêu cầu nào đó của công ty, nên họ cố tìm một lý do nào đó để từ chối cũng nên. Tuy nhiên, việc nhà tuyển dụng thốt ra những lời nhận xét cảm tính thể hiện sự bất bình đẳng giới như vậy để từ chối ứng viên nữ, có phải chính là ý nghĩ thực sự của họ?
Mong sao, trường hợp của bạn tôi, chỉ là một con sâu nhỏ làm rầu nồi canh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tư tưởng 'ban phát việc làm' của nhiều sếp Việt
- Bệnh ảo tưởng, đòi hỏi của nhiều nhân sự Gen Z
- Tôi xin được việc dù kinh nghiệm bằng 0
- 'Ra trường không có kinh nghiệm là lỗi của sinh viên'
- Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý
- Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý'