Có một thực tế tuyển dụng ngày nay mà các doanh nghiệp nên xem lại, đó là giới hạn đối tượng tuyển dụng từ 25-35 tuổi. Thậm chí, nhiều công ty còn yêu cầu ứng viên phải dưới 30 tuổi. Tôi không hiểu các nhà tuyển dụng dựa vào tiêu chí kinh nghiệm xử lý công việc, kinh nghiệm sống để tuyển người, hay chỉ thích nhân viên trẻ Gen Z để tạo môi trường công sở phù hợp với chính mình?
Bản thân tôi là một người thuộc thế hệ 8X, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề kiến trúc. Hơn một năm nay, tôi gửi CV ứng tuyển vào cần cả trăm công ty trong nước, nhưng cuối cùng cũng chỉ có 5-6 nơi liên hệ lại để mời phỏng vấn. Trong khi đó, mức lương mà tôi đề xuất chỉ nhỉnh hơn các bạn Gen Z đâu đó khoảng 5 triệu đồng. Nhiều lúc, tôi tự hỏi do mình bất tài hay các nhà tuyển dụng quá kén chọn nhân sự trẻ?
Tôi tin rằng, việc giới hạn độ tuổi ứng viên khi tuyển dụng là một suy nghĩ ấu trĩ. Bạn tuyển các vị trí cần người làm việc đầu óc thì quan trọng nhất phải kinh nghiệm, tư duy và năng lực thực tế... Chứ có tuyển lao động phổ thông đâu mà đòi sức trẻ 18-20 để làm hỳ hục như trâu?
>> 'U30 đi xin việc bị chê già'
Các doanh nghiệp Việt có lợi thế là có lực lượng lao động đông đảo, nên thường "kén cá chọn canh", chê lao động ngoài 30 tuổi. Chứ như các nước khác trên thế giới thiếu nguồn lực lao động, họ còn phải tuyển cả nhóm xuất khẩu lao động để thay thế. Đừng nghĩ bỏ tiền ra thuê nhân viên, và chi trả lương cho họ là ban phát ơn huệ. Hãy suy nghĩ đó là mối quan hệ cộng sinh và có chế độ tương xứng để cùng nhau phát triển.
Thực ra, các doanh nghiệp thích tuyển Gen Z vì họ sẽ được sử dụng sức lao động với chi phí thấp. Nhưng họ quên mất rằng, Gen Z ngày nay lại có lợi thế đi xuất khẩu lao động với thu nhập gấp 3-4 lần trong nước. Nếu tôi là Gen Z, chắc chắn tôi cũng không bán sức lao động cho các doanh nghiệp Việt với giá rẻ mạt, mà chọn hướng đi xuất khẩu để được lương cao, cơ hội định cư, trau dồi ngoại ngữ, được đào tạo thêm kỹ năng...
Ở nhiều nước trên thế giới, người lao động 60-65 tuổi vẫn được tuyển dụng, vẫn đi làm bình thường. Thế nên việc người lao động ngoài 30 tuổi ở ta khó xin việc là một bất công.
- Hẹn phỏng vấn bốn ứng viên, ba người không đến
- Tuổi 30 'khó xin việc vì Gen Z'
- Tư tưởng 'ban phát việc làm' của nhiều sếp Việt
- Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý
- Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý'
- Tôi xin được việc dù kinh nghiệm bằng 0