Tại sao một người không có bằng cấp, trình độ học vấn không cao, thậm chí kiến thức chuyên môn cũng thiếu hụt, nhưng vẫn có thể thành công, trở nên giàu có hơn những cá nhân được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghiệp vụ ở mức đáng nể?
Khoảng trống thị trường
Trong thị trường luôn xuất hiện các khoảng trống, đặc biệt là nhiều khi thị trường ở thời kỳ sơ khai. Khoảng trống thị trường hay còn gọi là thị trường ngách, thị trường bị bỏ rơi... là khu vực mà nếu biết tận dụng thì các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ có thể đánh bại hoặc kiếm lợi tạm thời trước khi thị trường này được để ý, khai thác bởi các cá nhân, doanh nghiệp lớn có vốn, tiềm lực hùng hậu.
Ví dụ điển hình nhất là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố của các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Khi mà thị trường thức ăn nhanh bùng phát trong môi trường công nghiệp, hiện đại hóa ở một khu vực thành thị, khu công nghiệp... thì các công ty tập đoàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống chưa nắm bắt được thị trường, đã tạo ra cơ hội kiếm tiền cho các loại hình kinh doanh cá nhân, hộ gia đình bằng đủ chủng loại thức ăn đường phố.
Thậm chí, ngay khi xuất hiện thị trường thì các cơ quan chức năng kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa ra đời, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn kém, nhu cầu ăn uống đơn giản của các thực khách thì đã tạo điều kiện cho một loạt các cơ sở sản xuất kinh doanh có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm lĩnh thị trường.
Các bạn sẽ không lạ khi có những gánh hàng rong, trà đá vỉa hè kiếm tiền triệu mỗi ngày. Hay việc bán khoai lang nướng, bánh mì... kiếm chục triệu mỗi ngày ở các khu phố du lịch sầm uất. Nhưng khoảng trống này không tồn tại nổi nếu có sự xuất hiện của các doanh nghiệp thực phẩm lớn với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn, và phương thức kinh doanh chuỗi. Chúng ta có thể thấy ở những quốc gia phát triển lâu đời, có các doanh nghiệp thực phẩm lớn tồn tại thì nền công nghiệp thức ăn nhanh (fast food) đã thay thế hoàn toàn nền công nghiệp thức ăn đường phố.
Khoảng trống thị trường không chỉ xuất hiện ở các quốc gia chậm phát triển mà còn xuất hiện tại các quốc gia phát triển trình độ cao. Ví dụ, một doanh nhân người Nhật Bản tuy không có học về lập trình, thậm chí xuất phát điểm là một người vô gia cư, nhưng việc nhanh chân nắm lấy cơ hội kết nối khu vực sản xuất phần mềm mới nổi ở các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Philippines... vào thị trường của Nhật Bản đã biến anh ta trở thành tỷ phú.
Khoảng trống thị trường này xuất hiện khi đa số các nhân vật được đào tạo về công nghệ thông tin tại Nhật tin rằng nền công nghệ phần mềm chỉ có những nước phát triển như Mỹ, phương Tây mới có thể cung cấp và các nước chậm phát triển, trình độ thấp không thể có khả năng tương tự.
>> Ảo tưởng 'người nhiều bằng cấp phải làm việc cao sang'
Khoảng trống nghề nghiệp
Trong các ngành nghề vẫn xuất hiện các khoảng trống mà nếu biết tận dụng, các cá nhân bình thường, có năng lực hạn chế vẫn có thể trở nên giàu có. Đa số chúng ta nghĩ rằng, chỉ có những ngôi sao trong nghề nghiệp, những chuyên gia, bậc thầy mới có thể trở nên giàu có, còn các cá nhân năng lực bình thường chỉ có thể đủ sống, hoặc tồn tại với điều kiện hạn hẹp. Sự thật không phải vậy, các bạn có thể thấy có những giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch tập đoàn nhưng có trình độ, bằng cấp thua kém cả nhân viên của mình.
Rõ nhất là trong ngành công nghệ thông tin hiện tại, nhu cầu ngoại ngữ rất lớn vì đa số các công ty phải xuất khẩu phần mềm ra thị trường nước ngoài. Do sự vội vã hoặc khâu đào tạo công nghệ thông tin không có sự chuẩn bị lực lượng lao động chuyên sâu nên đã đào tạo ra rất nhiều kỹ sư công nghệ thông tin thiếu trình độ ngoại ngữ, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Điều này tạo ra khoảng trống cho các cá nhân dù không biết các kiến thức về công nghệ thông tin hay kinh nghiệm nhưng chỉ cần thông thạo ngoại ngữ có thể lấp vào khoảng trống này.
Việc này đã tạo ra các trường hợp Giám đốc bán hàng, hay Kỹ sư cầu nối công nghệ thông tin nhưng lại không có nhiều kiến thức chuyên ngành, mà chỉ có khả năng bán hàng bằng ngoại ngữ để làm việc với khách hàng quốc tế. Khoảng trống này còn hàng chục năm nữa mới có thể lấp lại vì hệ thống đào tạo sẽ phải thích nghi, tổ chức lại để cho ra đời các thế hệ kỹ sư vừa biết ngoại ngữ, vừa thông thạo kỹ năng bán hàng.
Hay khoảng trống trong lĩnh vực bán hàng online. Khi mà các hệ thống doanh nghiệp sản xuất chưa tổ chức được các kênh livestream bán hàng tới tận tay người tiêu dùng, họ chỉ chăm lo sản xuất, thì lúc này khoảng trống nghề nghiệp sẽ cho phép các cá nhân trình độ không cao, thậm chí không có hiểu biết gì về ngành hàng họ bán vẫn có thể livestream bán hàng rất đắt khách.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.