"Tôi nhớ một lần bay về Cát Bi (Hải Phòng), khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, các tiếp viên liên tục nhắc nhở hành khách ngồi yên tại chỗ, không được tháo dây an toàn và dùng điện thoại trong lúc chưa dừng hẳn. Nhưng tôi chẳng thấy mấy ai nghe và làm theo. Ngược lại, rất nhiều người thản nhiên gọi điện cho người thân, đứng lên lấy hành lý, tranh nhau ra đứng trước ở lối đi, khiến tiếp viên chỉ biết liên tục nhắc nhở trong bất lực. Máy bay chưa về vị trí đỗ mà khách đã đứng chật kín lối đi và cửa ra, thậm chí tiếp viên còn không có lối để đi làm việc.
Theo tôi, chúng ta phải có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và chế tài xử phạt để mọi hành khách nâng cao ý thức tuân thủ nguyên tắc an toàn bay. Nếu không, khi sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất thảm khốc giống vụ việc xảy ra ở Saudi Arabia năm 1980 - dù máy bay đã hạ cánh thành công nhưng lại không kịp sơ tán hành khách đúng cách và tất cả bị ngạt khói".
Đó là chia sẻ của độc giả Điệp Y sau vụ việc máy bay Airbus A350-900 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) bốc cháy dữ dội sau khi va chạm với phi cơ của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) trên đường băng sân bay Haneda, Tokyo. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Airbus sơ tán thành công trước khi ngọn lửa bao trùm phi cơ.
Tiếng nổ xuất hiện ngay khi máy bay hạ cánh. Toàn bộ khoang ngập khói chỉ trong vài phút, cảnh tượng "như địa ngục" và khiến nhiều người hoảng loạn, một số la hét trong sợ hãi, chạy qua lại lối đi giữa các hàng ghế. Vào thời khắc quan trọng đó, các tiếp viên đã giữ bình tĩnh, hướng dẫn hành khách cúi người, bịt mũi và miệng, kêu gọi họ hợp tác trong lúc chờ máy bay dừng hẳn. Hành khách đã bỏ lại toàn bộ hành lý xách tay, bình tĩnh di chuyển theo hướng được chỉ và an toàn rời khỏi máy bay trong vòng 5 phút kể từ khi phi cơ dừng hẳn.
>> Vị khách hằn học khi bị tôi nhắc tắt điện thoại trước chuyến bay
Nói về kỳ tích xảy ra sau sự cố hy hữu trên, bạn đọc Wind Cloud bày tỏ sự nể phục: "Cái đáng nể ở đây là sau khi va chạm, chúng ta không thấy sự hỗn loạn trong khoang máy bay. Tuyệt nhiên không thấy ai chen lấn lấy hành lý, mọi hành khách đều bình tĩnh nghe theo hướng dẫn của tiếp viên. Điều đó thể hiện sự kỷ luật của người Nhật.
Trong khoảnh khắc đó, chỉ cần ai cũng đòi chạy ra cửa thoát hiểm trước, hoặc có người đứng lại cố lấy hành lý của mình, thì có thể sẽ có người thiệt mạng. Tôi từng chứng kiến một vụ va chạm máy bay tương tự, lúc đó có tới mấy chục hành khách chết chỉ vì những người ở gần cửa thoát hiểm cố lấy hành lý khiến những người ở phía sau bị ngạt khói".
Đồng quan điểm, độc giả Tui nhấn mạnh: "Thực sự kính nể cách các phi công, tiếp viên, và hành khách bình tĩnh xử lý trong tình huống khẩn cấp đó. Quả là một điều kỳ diệu khi gần 400 người đã thoát khỏi máy bay đang cháy chỉ trong vài phút. Ngay cả các chuyên gia hàng không thế giới cũng phải khen ngợi người Nhật vì xử lý sự cố quá bài bản. Nếu ở nước khác thì khả năng cao hành khách đã chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để lấy hành lý và cách thoát thân trước".
"Hầu như người Nhật không hoảng loạn khi có sự cố, mà ngược lại, họ rất bình tĩnh. Ngay cả người thân của các hành khách đứng chờ ở ngoài cũng bình tĩnh trả lời phỏng vấn: "Con gái vừa chụp ảnh gửi ra cho tôi, nên tôi nghĩ là mọi người đều an toàn". Kỷ luật thép, tuân thủ quy tắc... đã thành thói quen ứng xử hàng ngày của người Nhật và đó chính là thứ đã cứu mạng tất cả. Đây là một vụ việc đáng để chúng ta học tập", bạn đọc Hồng Lê kết lại.
>> Chia sẻ câu chuyện về ý thức hành khách trên máy bay tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.