Tôi rất đồng cảm với tác giả bài viết "Thói quen xấu khi đi máy bay của nhiều người Việt". Cá nhân tôi cũng thấy không ít những cảnh tượng lộn xộn như vậy ở nơi công cộng. Chuyện đi thang máy có lẽ là nản nhất, toàn nam thanh nữ tú nhưng hùng hổ chen lấn lấy được để vào thang, họ không cần biết bên trong có người muốn ra hay không và cũng không chịu quan sát, học hỏi và điều chỉnh hành vi của mình để tôn trọng người khác. Với những trường hợp đó, tôi thường chọn cách đứng chặn trước mặt đến bao giờ họ chịu tránh đường cho tôi bước ra khỏi thang máy thì thôi. Những người vô ý thức này cần phải nhận được những bài học xứng đáng.
Trở lại với câu chuyện ý thức khi đi máy bay, phải nhấn mạnh rằng hàng không không như xe buýt hay tàu hỏa, nó có những quy tắc riêng để đảm bảo an toàn cho hành khác và phi hành đoàn. Ví dụ, việc đi lại, sử dụng điện thoại lúc cất cánh, hạ cánh rất nguy hiểm cho bản thân và người khác, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay, nên phải bị hạn chế tối đa. Tất cả những điều đó đều được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong suốt quá trình bay, tuy nhiên, nhiều người vẫn không chịu đọc, không lắng nghe và quan sát, cũng không chịu chấp hành nghiêm túc. Đây hoàn toàn là trách nhiệm và nghĩa vụ với người đi máy bay chứ không phải chuyện các hãng gây khó dễ với hành khách.
Chen lấn, xô đẩy đòi ra khỏi máy bay trước, nhưng đến lúc đợi lấy hành lý cũng vẫn như nhau cả thôi. Ra trước cùng lắm được 5-10 phút cũng chẳng làm được gì. Tiếc rằng những điều đơn giản ấy lại không ít người hiểu được. Tất nhiên, nếu có việc khẩn cấp như cháy nhà, chết người, thì tôi không nói làm gì, nhưng chẳng lẽ ai cũng có việc gấp như vậy? Hay họ chỉ cố nhanh hơn người khác để có thêm vài phút ngồi vuốt điện thoại? Chính những người luôn thờ ơ với những quy tắc ứng xử, coi chúng như mấy thứ vớ vẩn, tự cho mình cái quyền không chấp hành quy định ấy, lại thường có xu hướng vô y thức tại những nơi công cộng.
>> Thói quen xấu khi đi máy bay của nhiều người Việt
Vậy lý do của sự thiếu ý thức này từ đâu mà ra? Có người đổ lỗi cho giáo dục nhưng tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, tất cả bắt nguồn từ văn hóa nuôi dạy con cái của các gia đình là chính. Khi bố mẹ không rèn giũa và làm gương cho cái thì đừng trông mong gì vào một thế hệ trẻ văn minh trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Tôi tin những bài học ở trường lớp thừa đủ để tạo nên một con người tốt, biết ứng xử có văn hóa, nhưng nhà trường không phải là nơi quyết định bạn sẽ trở thành người xấu hay tốt, mà chính gia đình và xã hội. Nhiều người có quan điểm con nhà mình nhưng không lo dạy dỗ, dựa hết vào nhà trường, đến lúc chúng hư hỏng, vô ý thức, lại đổ hết trách nhiệm cho nền giáo dục. Ai cũng trải qua những năm tháng học tập trên ghế nhà trường, ai cũng trải qua cuộc sống gia đình và xã hội, nhưng không phải ai cũng vô văn hóa như vậy. Thế nên xin đừng đổ lỗi cho nền giáo dục.
Gia đình - nhà trường - xã hội là ba trụ cột để hình thành nên nhân cách, nhân sinh quan và hành vi của mỗi con người. Trước khi đến trường bạn ở đâu? Sau khi đi học về bạn ở đâu? Cá nhân tôi cho rằng kiến thức học thuật của mỗi người đến từ nhà trường, còn nhân cách và hành vi của mỗi người lại do gia đình xây dựng và bồi đắp, xã hội góp phần giữ cho con người ta không chệch hướng bởi hàng rào luật pháp, quy định và các khuôn mẫu đạo đức, văn hóa, tập quán.
Nếu cứ đổ lỗi cho nền giáo dục thì xã hội này bao giờ mới tiến bộ? Riêng về ý thức văn minh nơi công cộng ở Việt Nam, tôi cho rằng hành pháp là yếu tố quyết định.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.