Chiếc Airbus A350-900 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) ngày 2/1 bốc cháy dữ dội sau khi va chạm với phi cơ của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) trên đường băng sân bay Haneda, Tokyo.
Sự cố khiến cả hai phi cơ bị thiêu rụi, 5 trên 6 người trên máy bay tuần thám của JCG thiệt mạng, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Airbus sơ tán thành công trước khi ngọn lửa bao trùm phi cơ.
Giới chuyên gia cho rằng đây là một "phép màu", nhưng không phải do tự nhiên mà có, mà là kết quả của "kỷ luật thoát hiểm" được hãng Japan Airlines dày công xây dựng trong nhiều năm qua và toàn bộ phi hành đoàn cũng như hành khách tuân thủ nghiêm ngặt.
"Cú va chạm lúc hạ cánh như vậy là sự cố rất nghiêm trọng đối với bất kỳ chiếc máy bay nào. Nhưng từ những gì đã chứng kiến, tôi rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi mọi người trên máy bay của JAL đều thoát kịp", giáo sư Graham Braithwaite, chuyên gia về điều tra tai nạn tại Đại học Cranfield của Anh, nói.
Giáo sư Braithwaite cho biết tai nạn do va chạm giữa hai máy bay trên đường băng là rất hiếm gặp nhưng thường gây ra thảm kịch lớn do phi công gần như không có thời gian để kịp ứng phó.
Vụ máy bay hãng Aeroflot chở 73 người của Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Moskva năm 2019 đã khiến 41 thiệt mạng. Năm 1980, toàn bộ 301 người trên máy bay của Arab Saudi tử vong vì ngạt khói sau khi hạ cánh khẩn thành công, nhưng phi hành đoàn không điều phối sơ tán kịp thời.
Còn trong sự cố lần này, phản ứng nhanh chóng của các tiếp viên Nhật Bản dường như đã cứu sống hàng trăm người.
Hành khách cho hay tiếng nổ xuất hiện ngay khi máy bay hạ cánh. Toàn bộ khoang ngập khói chỉ trong vài phút, cảnh tượng "như địa ngục" và khiến nhiều người hoảng loạn, một số la hét trong sợ hãi, chạy qua lại lối đi giữa các hàng ghế.
Vào thời khắc quan trọng đó, các tiếp viên đã giữ bình tĩnh, hướng dẫn hành khách cúi người, bịt mũi và miệng, kêu gọi họ hợp tác trong lúc chờ máy bay dừng hẳn.
Chỉ vài giây sau khi chiếc Airbus ngừng trượt trên đường băng, tiếp viên mở cửa thoát hiểm ở phía trước, kích hoạt máng trượt khẩn cấp. Do cửa ở phía sau và giữa máy bay đã bị kẹt, họ chỉ có thể hướng dẫn hành khách di chuyển lên phía trước để thoát khỏi khoang ngập khói.
Nhờ sự hướng dẫn của các tiếp viên, hành khách đã bỏ lại toàn bộ hành lý xách tay, bình tĩnh di chuyển theo hướng được chỉ. Toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn rời khỏi máy bay trong vòng 5 phút kể từ khi phi cơ dừng hẳn trên đường băng.
"Chúng tôi cúi người xuống sàn. Cửa khẩn cấp mở ra và chúng tôi di chuyển về phía đó", Anton Deibe, hành khách 17 tuổi người Thụy Điển, nhớ lại. "Mùi khói trong khoang thật kinh khủng. Chúng tôi không biết mình phải đi đâu nên cứ thế chạy ra ngoài".
Một phi công giấu tên của một hãng bay lớn ở châu Âu gọi đây là "một cuộc sơ tán chuẩn sách giáo khoa trong tình huống khó nhất".
"Tôi đặc biệt ấn tượng với phi công cũng như tiếp viên của JAL. Quá trình huấn luyện để xử lý các tình huống khẩn cấp đã được phát triển trong nhiều thập kỷ để giúp tất cả hành khách có thể sơ tán trong 90 giây. Tiếp viên của một số hãng có thể lập tức sơ tán không cần đợi lệnh cơ trưởng để tiết kiệm thời gian", phi công này nói.
Jeffrey Pricem, giáo sư an ninh hàng không tại Đại học Denver, Mỹ, cũng chỉ ra yếu tố quan trọng tạo nên phép màu là sự bình tĩnh và tuân thủ chỉ dẫn của hành khách, giúp toàn bộ người rời máy bay trước khi nó bị lửa nhấn chìm. Video cho thấy hành khách di chuyển nhanh chóng nhưng bình tĩnh xuống máng trượt.
"Các hành khách cũng không cố gắng lấy hành lý, điều có thể cản trở quá trình sơ tán, mà tập trung vào việc thoát khỏi máy bay", cố vấn an toàn hàng không John Cox, nói. "Điều này cho thấy họ từng được tập huấn kỹ càng".
Các tiếp viên và phi công là những người cuối cùng rời máy bay. Bộ Giao thông Nhật Bản nói quy trình sơ tán của JAL "đã được thực hiện đúng cách".
Kỷ luật được viết bằng máu
Theo giáo sư Braithwaite, lịch sử đau thương từ vụ tai nạn hàng không cách đây gần 4 thập kỷ đã trở thành động lực để khiến JAL trở thành một hãng bay an toàn, có thể triển khai sơ tán khẩn hiệu quả như vậy.
Năm 1985, một máy bay JAL rơi ở Gunma, miền trung Nhật Bản, khiến 520 người trên khoang thiệt mạng, đánh dấu một trong những thảm kịch hàng không chết chóc nhất lịch sử thế giới. Nguyên nhân thảm kịch đến từ lỗi bảo trì của các kỹ thuật viên Boeing, không phải do hãng JAL.
"Nhưng thảm kịch này vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến hãng. Trong nền văn hóa Nhật Bản, họ nhận trách nhiệm và muốn đảm bảo không để xảy ra chuyện tương tự. Nên khi có sự cố, họ sẽ coi đó là bài học, coi mọi thứ là cơ hội cải thiện", giáo sư Braithwaite cho hay.
Năm 2005, JAL mở một không gian tại trụ sở, trưng bày các mảnh vỡ máy bay gặp nạn, các mẩu chuyện của phi hành đoàn, hành khách, nhằm nhắc nhở nhân viên mới về thảm kịch năm 1985. Sau gần 40 năm, JAL thường xuyên được vinh danh là một trong những hãng hàng không an toàn nhất thế giới.
Phi công châu Âu giấu tên cho hay kinh nghiệm của các nhân viên JAL và kỷ lục an toàn của hãng "được viết bằng máu của những người xấu số trong lịch sử hàng không".
Rất nhiều khuyến nghị được đưa ra sau mỗi thảm kịch, khiến các hãng áp dụng những thay đổi như mở rộng không gian xung quanh lối thoát hiểm, thiết lập đèn dọc sàn, sử dụng vật liệu kháng lửa trên khoang.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng đặt thêm nhiều tiêu chuẩn an toàn, yêu cầu phi hành đoàn phải thực hành sơ tán khẩn hàng năm, với thời gian dưới 90 giây. Nhiều hãng yêu cầu nhân viên tập luyện trong không gian mô phỏng đầy khói.
Các chuyên gia cho hay điều này giúp các phi công, tiếp viên kiềm chế nỗi sợ, suy nghĩ và hành động hợp lý, điều an toàn hơn nhiều so với hành động theo bản năng.
"Huấn luyện ăn sâu vào nhận thức phi hành đoàn. Đây là điều mà hành khách không thể nhìn thấy, nhưng nó cực kỳ quan trọng", ông Braithwaite nói. "Mỗi khi hạ cánh, họ sẽ ngồi suy nghĩ về những kịch bản có thể xảy ra và hành động có thể tiến hành. Đó là những gì vừa xảy ra trong tai nạn ở Nhật Bản".
"Điều đáng rút ra từ sự cố này là hành khách cần chú ý hướng dẫn an toàn và cần nhớ rằng tiếp viên trên máy bay không phải nhân viên phục vụ ăn uống, mà là những chuyên gia an toàn đã được đào tạo bài bản", Steven Erhlich, chủ tịch của tổ chức PilotsTogether ở Anh, nhấn mạnh.
Đức Trung (Theo CNN, Insider, CBS News)