"Cuộc chiến dài nhất của Mỹ, bắt đầu từ năm 2001, kết thúc trong ê chề", Martin Jacques, chuyên gia tại Viện Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, viết trong bài xã luận đăng ngày 15/8 trên tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Taliban chiếm được vùng nông thôn, mọi thành phố lớn và giờ Kabul thất thủ hoàn toàn", Jacques giải thích cho nhận định của mình. "Chính phủ do Mỹ dựng lên ở Afghanistan sụp đổ chỉ 4 tháng sau khi Mỹ quyết định rút hết quân khỏi nước này".
Chuyên gia của Global Times cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Kabul và sự chiếm đóng quân sự của Mỹ ở Afghanistan suốt 20 năm qua "chỉ được một phần nhỏ người dân ủng hộ". "Chính phủ Afghanistan chỉ có thể tồn tại khi có sự hỗ trợ từ binh sĩ và không quân Mỹ", Jacques viết. "Trong khi đó, Taliban rõ ràng nhận được ủng hộ đáng kể từ người dân Afghanistan".
Chuyên gia này nhận định hai thập kỷ qua là "thảm họa của Mỹ", đánh dấu bằng việc George W. Bush giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2000 và áp dụng "học thuyết tân bảo thủ", với viễn cảnh về "một thế kỷ mới của Mỹ" và "tiếp tục trật tự đơn cực" của nước này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
"Thay vào đó, học thuyết trên dẫn tới loạt thất bại nhục nhã tại Iraq và Afghanistan, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được đánh giá là tồi tệ nhất sau Đại Khủng hoảng 1931", Jacques viết. "Khi Bush kết thúc nhiệm kỳ năm 2008, tính đơn cực đã chết và uy tín về sức mạnh quân sự của Mỹ bị suy giảm".
Jacques nhận định Mỹ bị coi là "một siêu cường đang suy tàn nhanh chóng" và "cái bóng của chính mình". Thất bại tại Afghanistan sẽ khiến cả thế giới đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo chính trị, quân sự của Mỹ, cũng như việc Washington sẵn sàng tham gia vào các cuộc can thiệp quân sự tiếp theo, cùng độ tin cậy và cam kết của Mỹ với đồng minh lẫn đối tác.
Theo chuyên gia này, sức mạnh quân sự là nền tảng cho vai trò toàn cầu của Mỹ từ năm 1945. Mỹ từ lâu coi ưu thế quân sự vượt trội là yếu tố chính giúp nước này vươn ra thế giới.
"Chúng ta có các ví dụ về Iraq và Afghanistan. Với mỗi trường hợp này, Mỹ đều chiếm ưu thế hoàn toàn về quân sự, song sức mạnh này là chưa đủ. Điểm cốt yếu là thu phục dân chúng và ưu thế quân sự không thể làm điều này, thay vào đó gây ra kết quả ngược lại", Jacques nói.
Ông này cho rằng Mỹ chỉ tìm cách khuất phục Afghanistan bằng vũ lực mà không có bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại một quốc gia nghèo đói, điều được cho là nguyên nhân khiến Mỹ hứng chịu "thất bại ê chề" này.
Nguyễn Tiến (Theo Global Times)