Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, chia sẻ bài viết xung quanh vấn đề bỏ hay giữ trường chuyên:
Câu chuyện để hay bỏ trường chuyên không phải lần đầu tạo nên những làn sóng trái chiều từ các nhà quản lý cũng như cộng đồng mạng. Lập luận bên phía ủng hộ duy trì trường chuyên cũng tỏ ra xác đáng, và phía đòi bỏ cũng thuyết phục không kém.
Nhưng qua theo dõi các cuộc tranh luận cả ở những phiên họp chính thống của các nhà quản lý cũng như những cuộc "bút chiến", "khẩu chiến" trên các diễn đàn khác, có thể nhận ra một thực tế, hầu như các lập luận, quan điểm ít nhiều đều mang tính võ đoán.
Ngay cả việc đòi hỏi trường chuyên phải thực hiện sứ mệnh là thu hút bồi dưỡng nhân tài có vẻ vẫn chỉ là câu chuyện kỳ vọng. Nhiều nhà quản lý giáo dục hay nhà khoa học cho rằng, việc các trường chuyên đào tạo "gà nòi" là đi chệch mục tiêu giáo dục, rằng trường chuyên phải tạo ra sản phẩm là những học sinh có đầy đủ năng lực vượt trội trên các phương diện...Nhưng ít ai để ý rằng, cho đến bây giờ cả các nhà quản lý cũng như giới khoa học vẫn đang loay hoay làm rõ nội hàm của từ "nhân tài". Đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm thu hút nhân tài phục vụ cho nền công vụ nước nhà, dẫu vậy nhân tài vẫn "như lá mùa thu".
>> Trường chuyên đóng góp nhân tài cho xã hội
Nếu coi "đầu ra" của các trường chuyên là nhân tài, thì hiển nhiên nhà đầu tư là Nhà nước sẽ có quyền được thụ hưởng sản phẩm đó, và cũng lẽ dĩ nhiên việc thu hút nhân tài sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Những hoá ra không đơn giản vậy. Ai cũng biết rằng, các trường chuyên vẫn "đo" giá trị của mình bằng các giải thưởng quốc gia và quốc tế. Và để có các giải thưởng đó, ngoài việc cố gắng chọn những học sinh xuất sắc đi thi đấu, chọn các thầy cô giáo có kinh nghiệm luyện quân, gần như các đội tuyển quốc gia đều phải có thêm những đợt "huấn luyện đặc biệt" với người có thể giúp cho học sinh dễ giật được giải.
Và đó sẽ là sự lặp lại của chu kỳ tuyển chọn, bồi dưỡng, thi đấu để đem lại bảng thành tích cao cho ngành giáo dục của địa phương.
Duy trì hay từ bỏ trường chuyên là một quyết định chính sách lớn. Trong chu trình hoạch định chính sách, đòi hỏi phải có sự phân tích, đánh giá thực trạng dựa trên những căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học.
Theo đó, thuyết phục nhất là việc đánh giá phải mang tính định lượng. Phương pháp đơn giản là thống kê số lượng học sinh các trường chuyên trong khoảng 20 năm trở lại đây xem tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trở thành người thành đạt, có đóng góp vượt trội cho cộng đồng, xã hội.
Thậm chí, có thể đánh giá tỷ lệ học sinh trường chuyên trong nhóm tinh hoa hiện nay. Việc chọn khung thời gian 20 năm để đánh giá là tính đủ để một người có thể khẳng định mình.
Đây là việc mà ngành giáo dục sẽ phải thực hiện ngay, những con số thống kê thực tế sẽ trả lời cho câu hỏi "nên hay không nên bỏ trường chuyên"?
Đây cũng là minh chứng cho việc đầu tư hiệu quả hay không đối với hệ thống trường chuyên hiện nay tại các địa phương.
Nguyễn Thị Hường
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.