Tại hội nghị tổng kết 10 năm "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" (Đề án 959) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 21/1, nhiều con số cho thấy sự lớn mạnh của hệ thống trường chuyên nhờ đề án hơn 2.300 tỷ đồng, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.
Về quy mô, từ chỗ chỉ có 68 trường chuyên vào năm 2010, hiện cả nước có 77 trường. Số khối chuyên tăng từ 7 lên 12. Chất lượng giáo viên được nâng cao với tỷ lệ người có trình độ tiến sĩ đạt 1,57% và thạc sĩ là 53,62%. Các trường chuyên cũng đoạt nhiều huy chương ở các kỳ thi khu vực và quốc tế có tiếng.
Bên cạnh đóng góp tích cực, hệ thống trường chuyên bộc lộ nhiều bất cập dẫn tới những cuộc tranh cãi liên quan đến sự lỗi thời về cách hoạt động, sự bất công trong học tập ở mô hình giáo dục này.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định phần lớn tranh cãi không phản đối mô hình trường chuyên nhưng bất bình với tình trạng chỉ đào tạo "gà nòi" để cạnh tranh thành tích trong hệ thống này.
Ông Đức cho rằng cần đổi mới triết lý đào tạo. "Các trường chuyên phải đào tạo nhân tài, cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho đất nước. Đã là đào tạo nhân tài thì phải đào tạo kỹ năng toàn diện", ông nói và chỉ ra thực trạng nhiều học sinh chuyên thiếu ngoại ngữ, tin học và nhiều kỹ năng khác khi vào đại học.
Theo ông, các trường chuyên phải là nơi nuôi dưỡng đam mê, khát vọng của học sinh. Khi từ bỏ đào tạo "gà nòi", có thể các trường không có học sinh đoạt giải quốc tế bây giờ, nhưng vài chục năm sau, những người từng học ở đây có thể trở thành lực lượng chủ chốt phát triển đất nước.
Nhiều chuyên gia có mặt tại hội nghị đồng ý với quan điểm phải đổi mới phương pháp, triết lý đào tạo của các trường chuyên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhận thấy dù rất phát triển, hiện chỉ một số trường đạt đến khả năng đào tạo nhân tài, có hệ thống, phương pháp giáo dục và quan điểm phù hợp. Một số trường chuyên chỉ dừng lại ở mức trường chọn, trường chất lượng cao chứ chưa đào tạo được nhân tài.
Theo ông, cần tránh coi trường chuyên là lò luyện học sinh đoạt các giải thưởng, huân, huy chương. Ông nhấn mạnh, trường chuyên không nên chạy theo thành tích, không dạy và học theo lối ứng thí, tìm kiếm huân, huy chương như vậy. Ông cho rằng các trường có thể đào tạo mũi nhọn nhưng phải kết hợp đào tạo toàn diện, lấy mục tiêu phát triển con người là hàng đầu.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhắc tới bất cập trong tuyển sinh trường chuyên. "Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp", Bộ trưởng chia sẻ.
"Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển trường chuyên. Chặng đường mới sẽ tiếp tục đổi mới, tiếp tục đầu tư nhưng cần đúng và trúng... để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu chung của đề án là xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng...".
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thủ tướng giao Bộ chủ trì tiếp tục xây dựng và trình đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022 - 2032".
Với các địa phương, Bộ đề nghị quy hoạch, sắp xếp phù hợp, cân nhắc xây dựng hai trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển một trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao.