Mỗi năm, cứ đến khoảng Rằm tháng sáu âm lịch là thị trường bánh trung thu lại bắt đầu nhộn nhịp. Khắp các ngã đường, góc phố mọc lên vô số cửa hàng bán bánh trung thu với đủ loại thương hiệu, từ những thương hiệu nổi tiếng cả nước cho đến các cơ sở sản xuất ở địa phương.
Những năm gần đây, người ta đua nhau làm ra các loại bánh trung thu cao cấp, khác lạ với nhiều cái tên nghe rất mỹ miều với mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Nguyên liệu làm bánh cũng được quảng cáo với đủ loại thực phẩm cao cấp như yên sào, bào ngư, vi cá, nhân sâm... Tất nhiên giá cả của những sản phẩm này vô cùng đắt đỏ, năm sau thường cao hơn năm trước khá nhiều.
Chắc ai từng mua bánh trung thu cũng biết giá bán lẻ thành phẩm thường đắt hơn rất nhiều lần so với giá thành sản xuất, đắt đến mức vô lý. Thế nhưng biết là vậy tại sao vẫn có nhiều người mua và thị trường này vẫn luôn nhộn nhịp mỗi dịp Trung thu về? Mấu chốt nằm ở chỗ thị trường bánh trung thu từ lâu đã bị biến tướng, méo mó. Nó đã trở thành thị trường quà tặng chứ không phải là một thị trường thực phẩm tiêu dùng thông thường.
Trung thu từ lâu đã không dành riêng cho trẻ em nữa mà nó là dịp người lớn bày tỏ tấm thịnh tình với nhau. Cấp dưới tặng bánh cho cấp trên, các đối tác tặng bánh cho nhau, người ta tặng bánh cho nhau để mưu cầu một lợi ích gì đó... Chính vì vậy nên mới có câu nói vui rằng bánh trung thu là loại bánh mà "người mua không ăn, còn người ăn thì không mua".
>> Trung thu không 'mất chất' vì những hộp bánh tiền triệu
Đương nhiên người mua để biếu tặng luôn có tâm lý phải chọn một thứ gì đó "coi được". Mà cái "coi được" là gì ?
Thứ nhất là mẫu mã: quà tặng thì mẫu mã phải đẹp, phải bắt mắt, phải độc đáo . Bởi vậy, để chiều lòng thượng đế, các nhà sản xuất tha hồ sáng tạo ra các loại mẫu mã, bao bì độc, lạ, sặc sỡ, kéo gia thành sản phẩm tăng cao.
Thứ hai là tên gọi: các loại bánh trung thu truyền thống với những tên gọi dân dã quen thuộc không đủ "ép phê" dành cho khách hàng thích đi lấy lòng người được tặng nên không có gì lạ khi nhiều tên gọi mỹ miều của bánh trung thu đời mới được ra đời với một mức giá bán mới, dù chất lượng không khác mấy mọi năm.
Thứ ba là giá cả: người ta thường bảo "tiền nào của nấy", vì vậy, tùy vào từng đối tượng được tặng mà người ta quyết định chọn các loại bánh có giá cả tương ứng. Vị trí và lợi ích mà người được tặng bánh mang lại càng cao thì giá cả các hộp bánh của người tặng cũng phải tăng theo tỷ lệ thuận. Nắm bắt được tâm lý này, các nhà sản xuất bánh trung thu tha hồ "ngáo giá". Và những hộp bánh "giá trên trời" vẫn luôn có người mua.
Từ đây thị trường bánh trung thu đang tạo ra những điêù không đúng. Một số nhà sản xuất đang phô trương quá mức về chất lượng và công dụng của nhiều dòng bánh. Nhiều loại bánh được quảng cáo được làm từ những nguyên liệu cao cấp, độc lạ nhưng thực tế nguyên liệu làm bánh cũng chỉ những thứ căn bản truyền thống như: bột, đường, trứng muối, dăm-bông...
Những loại nguyên liệu cao cấp nào đó, nếu có thì cũng chiếm một tỷ lệ rất, rất nhỏ. Kiểu như tổ yến ở trong nước yến hay nhân sâm trong nước tăng lực... Từ những sự thổi phồng quá mức này dẫn đến giá cả các loại bánh, nhất là những loại bánh được cho là cao cấp bị đẩy lên rất cao.
Giả dối tiếp theo là những người đi tặng bánh cũng vô tình đánh lừa người được tặng rằng "tôi đang tặng cho ông, bà những loại bánh hảo hạng, đắt tiền". Trong khi người dùng cũng tự dối mình rằng họ đang được thưởng thức những sản phẩm bánh trung thu cao cấp, khác biệt được khẳng định bằng chính giá cả của nó.
Thiết nghĩ, để trung thu thật sự là một cái Tết vui tươi, ấm áp với mọi trẻ thơ trên mọi miền đất nước, trước hết chúng ta phải trả lại chất truyền thống của thị trường bánh trung thu.
Lê Quảng Đại
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.