TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trước đây điều trị u cuộn mạch chủ yếu là phẫu thuật truyền thống, người bệnh phải nhập viện 3-5 ngày, sau khi điều trị cũng có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Trong khi đó, khi điều trị bằng laser, người bệnh có thể về nhà ngay, độ chính xác cao, ít để lại sẹo, giảm nguy cơ biến chứng và tái phát.
Móng tay cái bên phải của Tâm một năm nay gồ lên, có các đường lõm và sọc trắng dọc bên trong móng, thường xuyên đau buốt như "kim đâm liên tục hoặc từng cơn". Ban đầu cơn đau chỉ xuất hiện khi chạm vào móng, ngày càng nặng, bất chợt, nhất là khi tiếp xúc với nước lạnh.
Siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ngón cái phải của Tâm có mô mềm vùng giường móng dày 2 mm, bên trong có nốt bắt tín hiệu mạch máu nhiều, bác sĩ Bích chẩn đoán u cuộn mạch dưới móng tay.
Đây là một loại u lành tính, phát triển từ cuộn mạch, tức các cấu trúc nhỏ nằm dưới da, đặc biệt tập trung ở đầu ngón tay và ngón chân. Cuộn mạch đóng vai trò điều hòa nhiệt độ cơ thể bằng cách kiểm soát lưu lượng máu. Theo số liệu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), u cuộn mạch chiếm khoảng 1-5% khối u mô mềm ở bàn tay, thường gặp ở phụ nữ trung niên. "Tâm bị u cuộn mạch ở độ tuổi vị thành niên là trường hợp khá đặc biệt", bác sĩ Bích nói.

Phần u cuộn mạch của Tâm trước (trái) và sau khi được loại bỏ hoàn toàn bằng laser công nghệ cao. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau khi kiểm tra lớp sừng dày của móng tay, kích thước khối u và cân nhắc về mong muốn của Tâm không để lại sẹo và gián đoạn việc học, bác sĩ Bích chỉ định điều trị cho Tâm bằng laser 4D Dynamic NX Line, thay vì phẫu thuật cắt bỏ.
Với cơ chế hoạt động đa chế độ (chế độ versa, piano, smooth...), máy Dynamic NX Line phát ra các chùm tia laser xung dài, tác động chính xác, phá hủy mô u một cách chọn lọc mà không làm tổn thương mô lành xung quanh. Tia laser còn có tác dụng làm đông hoặc teo mạch máu, giảm nguy cơ hình thành sẹo.
Sau một lần điều trị, Tâm không còn đau, khó chịu, có thể sử dụng ngón tay sinh hoạt bình thường. Siêu âm sau một tháng cho thấy u cuộn mạch đã tiêu biến hoàn toàn, phần móng phát triển bình thường, đẩy phần gồ móng ra ngoài.

Bác sĩ điều trị u cuộn mạch bằng laser 4D cho Tâm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nguyên nhân chính xác dẫn đến u cuộn mạch chưa được xác định rõ. Dù u lành tính, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng, ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh biến dạng móng, khối u phát triển dưới móng có thể gây đổi màu, làm móng dày lên, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của ngón tay.
Một số trường hợp ít gặp, u cuộn mạch có thể tiến triển thành glomangiosarcoma - dạng u ác tính. Tỷ lệ này rất thấp nhưng nếu xảy ra, khối u có khả năng xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, đe dọa tính mạng người bệnh.
Minh Hương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |