Sau hai tuần chạy chính thức, Công ty vận hành Metro số 1 (HURC1) ghi nhận hơn 1,7 triệu hành khách sử dụng Metro 1, số lượng thực tế tăng 300% so với kế hoạch đề ra. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại xung quanh việc duy trì lượng khách ổn định cho loại hình phương tiện mới này sau thời gian đầu gây sốt, nhất là khi chính thức bán vé.
Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần nhấn mạnh Metro là một loại "dịch vụ công ích" nên việc hòa vốn, thậm chí chính quyền phải bù lỗ một phần khi vận hành là điều hết sức bình thường. Trên thế giới cũng vậy chứ không riêng gì Việt Nam.
Hiện nay, giá vé đi Metro toàn tuyến cũng chỉ 20.000 đồng cho 18 km. Nếu cùng quãng đường đó mà đi taxi thì giá cước sẽ khoảng 270.000 đồng (gấp hơn 13 lần). Vì vậy Metro không chỉ giúp đi lại với chi phí thấp hơn, mà còn góp phần giúp giá trị sử dụng của bất động sản tại Thủ Đức tiến dần tới ngang bằng với quận 1. Khi đó, nhiều văn phòng và công ty sẽ chuyển dịch ra Thủ Đức, giúp giảm tải cho khu trung tâm.
Ngoài ra, Metro còn có giá trị cho môi trường. Chỉ cần Metro vận hành khoảng ba tháng, tôi tin chúng ta sẽ thấy chất lượng không khí của khu trung tâm TP HCM khác hẳn ngay. Mỗi ngày, trung bình Metro vận chuyển 100.000 lượt hành khách, tương đương 100.000 phương tiện cá nhân (xe gắn máy, ôtô). Như vậy, tổng thể sẽ giảm được 200.000 m2 đường giao thông, khiến đường sá thông thoáng hơn, tốc độ di chuyển của phương tiện sẽ nhanh hơn.
>> Metro Bến Thành - Suối Tiên 'hot' khi bán vé
Ngoài ra, ước tính Metro sẽ giúp TP HCM giảm sử dụng 21,9 triệu lít xăng, tương đương với khoảng 50.000 tấn CO2. Vì vậy, để bổ sung kinh phí hoạt động cho Metro, theo tôi, TP HCM nên tính toán và bán tín chỉ carbon, ước tính có thể thu được một triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, thành phố có thể khai thác quảng cáo tại các ga Metro. Với lưu lượng hành khách hàng ngày tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất thì hoàn toàn có thể thu được tiền dịch vụ quảng cáo, kinh doanh tại các nhà ga tương đương với sân bay. Nguồn kinh phí này cũng góp phần không nhỏ trong việc vận hành Metro và giữ cho giá vé đủ thấp để mọi người ưu tiên lựa chọn hàng đầu thay vì phương tiện cá nhân.
Metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại TPHCM với 19,7km chiều dài kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía Đông như Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức. Trong thời gian đầu, tuyến Metro số 1 hoạt động 5h-22h mỗi ngày, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5h và chuyến cuối cùng sẽ xuất phát lúc 22h với 9 đoàn tàu.
Mỗi đoàn tàu chở tối đa 930 khách (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng) thời gian giãn cách 8-12 phút/chuyến, tổng số chuyến mỗi ngày là 200 chuyến. Tốc độ 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn ngầm). Metro Bến Thành - Suối Tiên miễn vé đến ngày 20/1 nên thời gian qua phần lớn khách đi trải nghiệm. Sau thời điểm này, khách có thể chọn các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng.
- 'For Ben Thanh' giúp trạm dừng Metro số 1 duyên dáng hơn
- 'Kết nối Metro số 1 với bến xe Miền Đông mới thay vì ôtô trung chuyển'
- Bài học kiếm lời từ Metro, BRT của người Nhật
- Giải bài toán quy hoạch để mở lối thoát cho BRT, Metro
- 'Xe máy tiện lợi mấy cũng phải bỏ để phát triển Metro'
- Lời - lỗ Metro