Thực ra, dù muốn hay không, tố chất của con người chỉ có vậy, nên thành công được đến mức hiện tại là kịch khung với bóng đá Việt Nam. Với những con người đang có, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh được với Indonesia, Malaysia, và hy vọng mỗi chu kỳ 10 năm may ra lại có thêm một thế hệ vàng để có thể lại vô địch "ao làng" một lần nữa.
Hãy nhìn sang Trung Quốc để hiểu được tại sao tố chất lại là chìa khóa quyết định thành công, chứ không phải cứ nỗ lực, cố gắng là được khi mà không có đủ tố chất. Xét về dân số, Trung Quốc gấp hơn chục lần Việt Nam. Xét về mức độ giàu có, Trung Quốc cũng ở vị trí khác hẳn. Họ đổ hàng tỷ USD vào đầu tư xây sân bóng hiện đại, tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ cho bóng đá. Thậm chí, họ tự bỏ tiền túi ra để gửi cả cầu thủ sang CLB phương Tây, cho họ được tập huấn bên đó. Rồi họ lại bỏ tiền ra để câu kéo mấy chục ngôi sao bóng đá thế giới sang đá ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc...
Với ngần ấy sự đầu tư khổng lồ nhưng bao năm qua, đất nước tỷ dân ấy không có nổi một danh hiệu bóng đá nào. Đó chính là sự quan trọng của tố chất con người.
Tại sao Indonesia lại nhập tịch cầu thủ nhiều như vậy? Đó là vì họ tự biết tố chất của cầu thủ nội cũng chỉ đến thế, nên phải nhập tịch để nâng tầm đội bóng lên. Ngay cả một đất nước có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản cũng đã nhập tịch cầu thủ từ 30 năm trước và điều đó thúc đẩy cầu thủ nội địa của họ phải vươn lên. Kết quả là sau 30 năm, người Nhật không cần nhập tịch cầu thủ nữa vì bản thân cầu thủ nội của họ đã phát triển một chặng đường dài và vươn tới đẳng cấp thế giới.
>> 'Đội tuyển Việt Nam cần cầu thủ nhập tịch'
Nhiều người rất thích lấy Singapore và Philippines ra để bảo vệ cho quan điểm bảo thủ rằng "nhập tịch không mang lại kết quả gì". Thực chất hai quốc gia này chưa bao giờ nhập tịch được những cầu thủ đủ chất lượng để cạnh tranh ở tầm châu lục. Nhưng ở sân chơi khu vực, đến bây giờ Singapore vẫn còn vô địch nhiều hơn Việt Nam. Trong đó, quá nửa chức vô địch của họ có được nhờ chính sách nhập tịch. Và một yếu tố đáng kể nữa là Singapore vốn là nước nhỏ rất ít dân, nguồn cầu thủ nội địa của họ rất mỏng, nên về lâu dài sẽ luôn trong tình trạng thiếu cầu thủ.
Còn với Philippines, thực ra họ chưa có nguồn cầu thủ đủ tốt và cũng chưa thuê được HLV đủ tài năng để biến đội bóng này trở nên mạnh mẽ. Ngoài ra, đây cũng là một đất nước hâm mộ bóng rổ hơn nhiều bóng đá, nên môn thể thao này cũng không được quá coi trọng. Việc có thành công với bóng đá hay không, người Philippines không quá quan tâm, đó cũng là lý do khiến đội tuyển này khó trở nên mạnh mẽ.
Nhưng Việt Nam thì khác, chúng ta là đất nước coi bóng đá như môn thể thao vua. Với tình yêu bóng đá như vậy, thành tích của đội tuyển quốc gia chắc chắn phải được coi trọng. Do đó, việc nhập tịch cầu thủ sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả nên bóng đá Việt Nam. Khi có cầu thủ nhập tịch, chính các cầu thủ nội sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh trên tuyển, từ đó sẽ thành động lực buộc họ phải tập luyện và phát triển để sinh tồn. Khi đó, chất lượng cầu thủ nội mới có hy vọng tiến bộ lên được.
Còn nếu không, chúng ta sẽ cứ đứng im một chỗ mặc định dành cho mình, rồi nhìn các nước khác vượt qua và dần bỏ xa mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.