Nói về những thiệt thòi của người nông dân trồng lúa, khi vốn liếng, sức lực bỏ ra quá nhiều mà lợi nhuận thu về rất ít, độc giả Huuphuoc chia sẻ:
Tôi là nông dân làm lúa ở miền Tây nên cũng hiểu phần nào nỗi cực khổ của người làm nông. Chi phí cho một công lúa (1.269m2- công đất Nam bộ) trồng giống lúa IR504 cơ bản như sau:
-Tiền lúa giống loại xác nhận khoảng 300.000 đồng (25kg/1 công).
-Tiền thuê máy xới, người làm đất trước khi xạ lúa khoảng 350.000 đồng, tiền thuê mướn gieo sạ: 40.000 đồng; tiền vật tư phân, thuốc trung bình khoảng 1.500.000 đồng, đến lúc thu hoạch tiền thuê máy cắt lúa 250.000 đồng (lúa không bị ngã) nếu lúa ngã 300.000 đồng, chưa kể tiền thuê bơm nước chống úng cho chủ đầu tư, chi phí xịt thuốc, bón phân không thuê mà tự mình làm.
Đến lúc thu hoạch năng suất trung bình 800kg/ 1 công với giá bán vụ đông xuân năm 2020 được 5.000 đồng/ 1kg lúa thì được 4.000.000 đồng. Sau khi trừ các khoảng chi phí cơ bản nêu trên người nông dân còn lại được khoảng 1.500.000 đồng cho một vụ lúa 3 tháng.
Nếu tính kỹ ra thì người nông dân một tháng được 500.000 đồng. Vậy một ngày người nông dân chỉ thu được khoảng 17.000đ. Đó là đối với những vụ lúa được mùa có giá 5.000 đồng một kg. Trồng lúa lãi như vậy thì nông dân sau mà làm giàu được?
Độc giả ngô đức nêu vấn đề từ lâu, người Việt đã ý thức được chỉ làm nông thì không thể giàu: Ông bà nói "Phi thương bất phú" chứ có nói "Phi nông bất phú" đâu. Xã, huyện nào cũng đầy đủ ban hỗ trợ nông nghiệp, nào là Hội nông dân, nào là phát triển nông thôn... người giàu không phải là nông dân người trực tiếp làm ra hạt gạo, mà là các thương lái, những người đầu tư bán vật tư nông nghiệp. Rồi đa số thanh niên bỏ quê lên thành phố công nghiệp làm công nhân với hy vọng có cơ hội đổi đời...
Độc giả Trần Thanh Trúc đặt câu hỏi: Nông dân làm lúa biết đến bao giờ mới giàu được với nghề trồng lúa của mình? Cả một vụ, thu hoạch xong mà công bỏ ra còn bị lỗ do giá quá thấp thì biết lấy ai mặn mà với cây lúa nữa? Lúc đó thì an ninh lương thực sẽ thế nào? Suy cho cùng người nông dân mãi mãi bị thiệt thòi.
Độc giả Hong Phuc Quan cho rằng để người nông dân an tâm thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực thì phải đảm bảo họ được lợi nhuận tương xứng:
An ninh lương thực thì cái chính nhất vẫn là những quyết sách giúp cho nông dân trồng lúa không bỏ ruộng hoang hay phải chuyển đổi cơ cấu sang loại cây trồng. Người dân trồng lúa mà có lãi tương xứng sẽ an tâm canh tác. Lúa gạo thì chưa bao giờ phải giải cứu nhưng ồ ạt chuyển sang cây trồng khác thì có lúc chúng ta phải giải cứu khoai, xoài, dứa hấu..
Độc giả nhan.tran.it92:
Có hai vấn đề lớn vẫn tồn tại trong việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam:
Giá bán lúa gạo vẫn còn thấp so với các nước chuyên về xuất khẩu lúa gạo như Ấn Độ và Thái Lan, người nông dân vẫn còn quá khó khăn khi kinh tế hoàn toán phụ thuộc vào việc trồng lúa.
Chất lượng lúa gạo cũng khó kiểm soát khi mà việc thu mua qua quá nhiều thương lái, các khâu trung gian.
Cần phải có những công ty lớn chịu trách nhiệm thu mua trực tiếp, hợp tác với nông dân cũng như kiểm soát chất lương hạt lúa để nâng cao uy tín lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tạo được những vùng sản xuất lúa hiệu quả, chất lượng cao rồi từ từ lan rộng ra toàn khu vực, làm cho việc sản xuất lúa gạo là thế mạnh thực sự, đem lại lợi ích kinh tế, thương hiệu cũng như giúp đỡ người nông dân an tâm với cuộc sống hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.