Trồng lúa cực nhọc nhưng lợi nhuận không cao, một số độc giả cho hay nhiều nông dân ở quê đã buông cây lúa để đi làm công nhân:
Tôi cũng là một nông dân thứ thiệt, từ nhỏ đã làm ruộng lúa mùa từ vùng Tân Hiệp, Kiên Giang. Đầu đội trời, chân đạp đất quần quật với ruộng đồng nhưng chẳng được bao nhiêu. Của ăn của sống đều trông chờ vào hột lúa nhưng rất thất thường. Những năm gần đây làm lúa ngắn hạn thì khá hơn nhưng cũng chẳng ăn thua gì nếu thất mùa hoặc sâu bọ. Cái kiểu làm truyền thống chẳng bao giờ giàu được.
Xong một vụ lúa 3 tháng sau khi trang trải còn lại được khoảng chục triệu. Nếu đi làm công nhân lương tháng cũng được gần một chục triệu nhưng có vẻ sạch sẽ hơn vì thế người ta sẽ bỏ đồng ruộng chí vì thế chúng ta phải có chính sách và cách làm công nghiệp hơn để người nông dân bớt khổ và có thu nhập cao.
Quê tôi từ nhiều năm nay đã có một phong trào là bỏ hết ruộng và cho các con đi công ty. Họ tính rằng chỉ cần một tháng lương (khoảng 6 triệu đồng) là đong được một nửa tấn thóc ăn cả năm rồi. Nếu mà lăn lộn với đồng ruộng, vừa vất vả, vừa chẳng được bao nhiêu.
Vùng quê tôi hiện nay, người trẻ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, ruộng đồng bỏ trống rất lãng phí và rồi sẽ lại được quy hoạch thành các đô thị để bán đất thôi. Xu thế rất đáng lo ngại.
Ở quê tôi bây giờ người dân bớt làm lúa rồi. Chỉ làm vài 3 sào đủ ăn hoặc để cho có việc làm cho đỡ buồn (nhà có điều kiện). Thanh niên giờ chủ yếu đi khu công nghiệp, xuất khẩu lao động hết... Nói chung do làm lúa là lỗ, khổ... làm khu công nghiệp 2- 3 tháng là bằng 2 vụ lúa rồi.
Pham Thien
Độc giả có nickname kimhue29122012 chia sẻ rằng không theo nghề nông khi nhìn thấy nông dân có quá nhiều khó khăn:
Tôi cũng là một người con của đất miền tây. Ở quê tôi may mắn hơn là có đến 2, 3 người thương lái mua lúa, nông dân có thêm một ít sự chọn lựa là bán cho ai nhưng cũng chẳng khá hơn vì vẫn bị, trừ bao, giảm giá lúa ướt, lúa lép.
Mỗi lần bán lúa là cha tôi phải vác lúa từ ghe lên cân, cân xong đóng lúa người ông cũng vã mồ hôi, chỉ muốn bán cho nhanh để trả tiền phân thuốc. Vì hầu hết đều nợ tiền phân thuốc, lúa giống đến cuối vụ mới trả, có người còn mượn trước tiền của thương lái để xoay xở cho con cái ăn học.
Tuổi thơ của tôi là những ngày phóng lúa ở nhà là nhảy lên ghe để cân lúa phụ cha. Nhiệm vụ của tôi là nhìn xem cân nhảy chính xác không rồi ghi lại cộng kết quả số ký với thương lái, nhưng nếu có chênh lệch thì cũng chẳng bao giờ cãi lại được.
Thế mới biết để làm được bát cơm đầy thì nông dân phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng còn phải cậy nhờ ông trời cho mưa thuận gió hoà nữa. Tôi cũng đã nhìn thấy những bất công của người nông dân, thậm chí tuyên bố là ráng học sau này không làm ruộng. Cha tôi nói mỗi người mỗi việc mình làm nông mà, còn thương lái họ mới đưa được lúa gạo Việt Nam mình xuất khẩu được. Đó là do ông tự an ủi mình hay tự tạo cho mình động lực với cái nghề mà bao đời tổ tiên để lại.
Độc giả tranvu.wtb cho rằng để thoát khỏi tình trạng "cốc mò, cò xơi", người nông dân cần phải đoàn kết:
Nông dân miền Tây không thay đổi chỉ làm giàu cho các công ty vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...) và thương lái cò con thôi. Từ lý thuyết đến thực tiễn thì các hộ nông dân phải liên kết lại, hình thành hợp tác xã kiểu mới (cổ phần bằng diện tích ruộng góp) và tạo ra cánh đồng lớn để nhằm mục đích là giảm bớt giá thành sản xuất trong việc sử dụng vật tư nông nghiệp.
Và quan trọng hơn là có vị thế cao hơn trong việc đàm phán với người mua lớn hơn. Trên thực tế, nhiều tập đoàn nông nghiệp lớn trong nước đã vận dụng chính sách này, họ "bao lãi" cho nông dân, ứng trước tiền cho vật tư và thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 100đ-200 đồng/kg, nhưng với điều kiện những HTX kiểu mới này phải giữ cam kết cao với họ, sản xuất giống lúa phù hợp và có sẵn đơn hàng đầu ra xuất khẩu. Chỉ có làm được như thế người nông dân mới đảm bảo lợi nhuận tối thiểu từ 10-20% mỗi vụ.
Độc giả Nam Thiên cho rằng nông nghiệp kết hợp công nghệ là giải pháp:
Nếu ai từng đến Israel thì sẽ ngạc nhiên. Họ trồng cà chua trong chậu mà quả sai từ gốc lên ngọn. Sống giữa sa mạc mà họ không chỉ tự chủ lương thực mà còn dư để xuất khẩu. Nông nghiệp phải dựa hẳn vào công nghệ. Có thể đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị hạn, nhiễm mặn lâu dài. Chúng ta phải tìm con đường phát triển thích nghi chứ không phải chờ ai đó xả nước. Có thông tin các nhà khoa học đã tạo được giống lúa chịu mặn. Nuôi trồng, chế biến các loại thủy hải sản tại các vùng ngập mặn ven biển cũng là một ngành kinh tế rất hứa hẹn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.