Mỗi vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng riêng, thích hợp để trồng trọt chăn nuôi một vài loại sản phẩm nông nghiệp nào đó chứ không phải cái gì cũng nuôi cũng trồng được.
Bạn thử dùng đất trồng cây công nghiệp đem ra trồng cây ăn quả và ngược lại xem sẽ ra sao? Chất lượng, năng suất giảm mạnh, chi phí chăm sóc tăng vọt ngay. Cho nên, anh nuôi trồng ngành hàng gì thì cũng loanh quanh ngành hàng đó thôi. Anh có chặt, đốn cây này trồng cây kia thì cũng loanh quanh mấy cây đó thôi (những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở nơi đó).
Thứ nhất, thiếu chiều rộng là chúng ta không xác định được vùng chuyên canh. Nơi này thích hợp trồng tiêu, điều, cà phê, mía, ... thì tự người nông dân phải xác định được loại nào cho chất lượng, năng suất cao nhất và bản thân anh am hiểu loại cây nào nhất, sau đó anh chỉ chuyên trồng loại cây đó không trồng cây khác.
Thứ hai, thiếu chiều sâu là thiếu nghiên cứu khoa học. Một loại cây duy nhất được trồng trên diện rộng với mật độ dày đặc sẽ dẫn đến dịch bệnh, giảm sút chất lượng đất trồng, rồi giống, phân bón, nước tưới, chăm sóc, thu hoạch. Đã xong chưa? Chưa. Công việc quan trọng nhất sau thu hoạch là sơ chế và bảo quản. Anh bảo quản được càng lâu (lâu đến tận vụ sau) thì chả ai ép giá được anh. Tất cả những việc này phải có người nghiên cứu và nếu nghiên cứu thành công, anh phải trả phí nghiên cứu ấy cho họ để mua công nghệ cần thiết. Việt Nam không được thì nước ngoài, nơi có khoa học tiên tiến. Không gì người ta không làm được, chẳng qua là mình có tiền để mua hay không.
Thứ ba, thiếu liên kết ngang. Mấy anh nông dân cùng trồng một loại cây có thể liên kết lại với nhau để chống ép giá. Để liên kết, từng anh phải đưa ra cho mọi người biết chi phí nuôi trồng của mình. Hiệp hội liên kết này sẽ đưa ra một cái giá thống nhất sao cho số đông có lời, anh nào chi phí cao quá có thể học hỏi người khác để giảm chi phí xuống. Như vậy, thương lái chỉ có thể mua một cái giá thống nhất ấy thôi, không lên cũng chẳng xuống được.
Thứ tư, thiếu liên kết dọc là liên kết phân phối sỉ và tiêu thụ lẻ. Chỗ này không cần phải nói thêm vì đã đề cập ở bài viết trước (thương lái, vựa đầu mối, tiểu thương). Từ 4 điểm trên đòi hỏi anh nông dân phải liên kết lại thành số đông, phải có hiệp hội. Hiệp hội trồng cà phê là khác với hiệp hội trồng tiêu, khác với hiệp hội trồng điều mặc dù 3 loại cây này có thể được trồng ở cùng một nơi.
Từ cái số đông này, mỗi người đóng góp một chút mới mua được công nghệ cần thiết dùng để lai giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Chứ còn từng anh manh mún làm sao chịu nổi chi phí này? Chi phí này dùng để cho người ta nghiên cứu ra công nghệ, cách thức, kỹ thuật chung cho loại cây đó. Chi phí này là rất nặng, từng người không thể kham nổi nhưng với số đông thì chả có vấn đề gì.
Vậy, sẽ có bạn nói rằng, tạo thành hiệp hội như thế là độc quyền. Thì đã hẳn, chính là độc quyền chứ gì nữa. Buôn có bạn bán có phường chẳng là độc quyền (độc quyền mua) thì là gì? Độc quyền và đầu cơ là hai chuyện khác nhau mặc dù chúng rất gần gũi nhau. Mà, nếu người nông dân có thể đầu cơ được thì họ cứ việc, tưởng dễ à? Trên thế giới còn có hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để thống nhất giá dầu thì vì sao nông nghiệp, nông dân Việt không có những hiệp hội này? Vì sao ta cứ phải sợ 2 chữ "độc quyền" này nhỉ? Những hiệp hội này chỉ có chức năng độc quyền bán thôi chứ có chức năng độc quyền mua đâu. Chúng ta có hiệp hội cà phê Việt Nam không? Có. Thế nhưng cái hiệp hội này chỉ đại diện cho mấy ông chế biến và xuất khẩu cà phê chứ không đại diện cho nông dân trồng cà phê.
Giá mua giá bán của cái hiệp hội này hoàn toàn phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Giá thị trường thế giới là giá ngọn, phụ thuộc vào cung cầu chung trên thế giới. Giá thị trường thế giới tăng thì họ đi thu gom cà phê giá nào cũng mua có khi lên đến hàng trăm nghìn đồng một kg. Giá thế giới giảm thì họ ép giá ngược lại nông dân có khi chỉ còn vài chục nghìn đồng môt kg.
Chúng ta không phải là quốc gia duy nhất trồng cà phê vối, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái lan cũng trồng loại cà phê này. Nếu họ mất mùa thì người trồng cà phê Việt trúng đậm và ngược lại, họ được mùa giá cà phê rớt thê thảm.
Còn có một cái giá khác là giá gốc phụ thuộc vào chi phí sản xuất. Rõ ràng hiệp hội cà phê Việt Nam đã không đảm bảo được cái giá gốc này cho người nông dân trồng cà phê. Vì vậy, tôi mới đề xuất người trồng cà phê (cũng như các loại nông sản khác) nên liên kết lại với nhau tạo thành hiệp hội riêng để đảm bảo lợi ích của mình.
Giá cả mà hiệp hội trồng cà phê đưa ra là chi phí sản xuất và lợi nhuận định mức để người trồng cà phê có lời. Giá này sẽ không thay đổi trừ phi chi phí trồng cà phê có biến động mạnh. Như vậy, với cái giá gần như bất biến này, ông nào muốn mua cà phê để xuất khẩu gì đó thì tự cân nhắc giữa giá gốc và giá ngọn.
Ngoài ra, để giữ cái giá này không đổi, sản lượng cà phê sẽ được hiệp hội điều chỉnh cho phù hợp với lượng tiêu thụ cà phê trên thị trường Việt Nam (dễ điều tra số liệu, dễ tính toán hơn nhiều so với thị trường thế giới cực kỳ đa dạng và phức tạp). Anh nào muốn xuất khẩu cà phê thì phải đặt hàng trước để hiệp hội điều chỉnh lại sản lượng. Bất kể giá thế giới xuống đến đâu vẫn không bao giờ xuống đến cái giá gốc này.
Như vậy, sẽ có năm Việt Nam xuất khẩu cà phê ra thế giới và có năm ngừng xuất khẩu vì giá ngọn và giá gốc không chênh lệch đáng kể, người xuất khẩu không có lời. Chứ còn năm nào cũng xuất khẩu thì ông xuất khẩu lời ngập mặt còn anh nông dân trồng cà phê thì hên xui vì anh phải gánh những rủi ro giá cả biến động trên thế giới là việc mà lẽ ra ông xuất khẩu phải chịu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.