Axit uric là sản phẩm thải khi cơ thể phân hủy các chất hóa học gọi là purin. Purin được tạo ra khi các tế bào trong cơ thể chết đi, nhưng cũng có thể do quá trình phân hủy thực phẩm và đồ uống như nội tạng động vật, hải sản, bia.
Khi purin được hình thành hoặc đi vào cơ thể, gan chuyển hóa thành axit uric. Tiếp theo, thận loại bỏ 2/3 axit uric qua nước tiểu và ruột loại bỏ 1/3 còn lại qua phân. Sự gián đoạn trong quá trình cân bằng sản xuất hoặc thanh lọc axit uric có thể khiến axit uric tích tụ, gây tăng axit uric trong máu. Khi đó, axit có thể bắt đầu kết tụ với nhau, tạo thành các tinh thể, dẫn đến hai bệnh phổ biến là gout và sỏi thận.
Loại sỏi thận hình thành do tích tụ của các tinh thể axit uric trong thận được gọi là sỏi axit uric, hay sỏi urat. Theo Cleveland Clinic, sỏi urat chiếm khoảng 8-10% trường hợp sỏi thận.
Nồng độ axit uric trong máu cao làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Xét nghiệm axit uric có thể được chỉ định khi người có các triệu chứng hoặc nguy cơ bị sỏi thận, các vấn đề khác về thận. Xét nghiệm xem xét sỏi thận có phải do tăng axit uric máu hay do nguyên nhân khác (như nồng độ canxi cao bất thường), theo dõi sự phát triển sỏi thận ở người bị gout, phát hiện bệnh thận cấp tính và mạn tính khi kiểm tra toàn diện chức năng của cơ quan này.
Có hai loại xét nghiệm được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp để phát hiện tăng axit uric là xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Cả hai xét nghiệm thường được thực hiện cùng nhau để chẩn đoán bệnh gout và sỏi thận.
Xét nghiệm axit uric máu: Mức 3,5-7,2 miligam trên decilit (mg/dl) là bình thường với hầu hết mọi người, cao hơn 7,4 mg/dL được chẩn đoán tăng axit uric máu. Với người có tiền sử bệnh gout, các triệu chứng đôi khi có thể phát triển khi trên 6,0 mg/dL.
Xét nghiệm axit uric nước tiểu: Mức 250-750 miligam (mg) là bình thường, tăng axit uric máu thường được chẩn đoán ở mức cao hơn 750 mg.
Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để chẩn đoán xem axit uric có phải là nguyên nhân hình thành sỏi thận hay không. Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ canxi hoặc phốt pho cao bất thường, nguyên nhân gây ra các loại sỏi thận khác. Siêu âm bụng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) độ phân giải cao hoặc chụp thận tĩnh mạch giúp phát hiện sỏi trong đường tiết niệu. Phân tích sỏi trong phòng thí nghiệm để xác định sỏi axit uric, sỏi canxi hay một số loại sỏi thận khác.
Nếu sỏi kích thước nhỏ có thể thoát ra khỏi cơ thể theo nước tiểu mà không gây đau hoặc đau ít. Nếu sỏi lớn và không đào thải được hoặc khó di chuyển, chúng có thể gây ra triệu chứng như đau nhức ở lưng dưới, hông, bụng hoặc bẹn, buồn nôn, tăng nhu cầu đi tiểu, đau khi tiểu, khó tiểu, tiểu máu, nước tiểu có mùi hôi hoặc đục. Nếu không được điều trị, sỏi lớn có khả năng làm tắc nghẽn đường tiết niệu và gây nhiễm trùng (UTI). Các triệu chứng của UTI tương tự sỏi thận, người bệnh có thể kèm sốt hoặc ớn lạnh.
Theo thời gian, sỏi thận và các dạng tổn thương thận khác có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính, khiến loại bỏ axit uric khó khăn hơn. Bệnh thận không được điều trị có thể gây suy thận, tức mất chức năng thận.
Ăn thực phẩm ít purin có thể điều chỉnh nồng độ tăng axit uric. Người bệnh nên tránh thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, bia và các loại đồ uống có cồn khác, thực phẩm có đường, soda. Người bệnh có thể chọn sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, rau diếp, cà chua, rau xanh, bơ đậu phộng, các loại hạt, trái cây họ cam quýt như chanh, cam.
Uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể sản xuất ít nhất hai lít nước tiểu mỗi ngày, giúp thận đào thải axit uric. Bổ sung kali citrat hoặc kali bicarbonat để giữ nước tiểu có tính kiềm (không có tính axit). Nếu thay đổi chế độ ăn uống không kiểm soát được nồng độ axit uric cao, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |