Đã bao giờ bạn thấy áp lực khi bạn bè được học bổng bổng, tuyên dương; lớn lên một chút lại thấy áp lực khi bạn bè lập gia đình, sinh con đẻ cái, cuộc sống ấm no; ở tuổi trung niên lại thấy áp lực khi bạn bè thành đạt, lương cao, giàu có...? Tất cả những thứ đó được gọi chung là áp lực đồng trang lứa (hay peer pressure). Hiểu một cách đơn giản, áp lực đồng trang lứa là tâm lý lo lắng, cảm giác nặng nhọc khi thấy những người cùng trang lứa với mình đang được thành công, đạt được thành tựu lớn và hạnh phúc hơn mình.
Áp lực đồng trang lứa không phải là bệnh, đây là một dạng tâm lý. Những tâm lý này không biểu hiện ra bên ngoài, mà nó xuất hiện trong suy nghĩ mỗi người và sẽ rất khó để gỡ bỏ cảm giác đó ra tâm trí. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện do hai yếu tố, đó là: nội tâm tự sinh ra và ảnh hưởng ngoại cảnh tác động lên (như gia đình, xã hội, công việc...).
Thật ra, ở thời đại nào, con người cũng sẽ bị áp lực đồng trang lứa. Tuy nhiên, ở thời đại 4.0 ngày nay, khi mà công nghệ quá phát triển, sự thành công và hạnh phúc của mỗi người đều được đưa lên internet, người ta thích vinh danh, tự hào về thành tựu của bản thân, thì chúng ta lại càng hình thành nhiều áp lực, lo lắng hơn.
Áp lực đồng trang lứa không chỉ có ở người trẻ mà tồn tại trên mọi người, ở mọi độ tuổi, mọi giới tính, mọi quốc gia. Vậy làm thế nào để vượt qua được áp lực đồng trang lứa?
Đầu tiên, mỗi người phải loại bỏ được nguồn gốc hình thành nên tâm lý áp lực đồng trang lứa, chính là sự không dám tin tưởng vào bản thân. Tin rằng bản thân làm được thì những lo lắng trong tâm lý sẽ không thể hình thành. Sự tự ti chính là động lực lớn nhất thúc đẩy áp lực đồng trang lứa gia tăng.
>> Áp lực thành công như 'con nhà người ta'
Thứ hai, môi trường gia đình cũng góp phần tạo nên áp lực đồng trang lứa. Hẳn nhiều người ở đây đã quá quen với cụm từ "con nhà người ta" phát ra từ chính cha mẹ mình. Từ nhỏ chúng ta luôn bị so sánh với một ai đó, có thể là đứa bạn hàng xóm chăm làm việc nhà, hay đứa bạn trên lớp học hành giỏi giang... Vô hình chung, chính những lời so sánh đó khiến đứa trẻ khi lớn lên cũng tự hình thành nên tâm lý so sánh bản thân với người khác, dần trở nên mặc cảm, tự ti. Nếu bạn đang hoặc sắp làm ba mẹ, xin đừng dạy con mình bằng cách so sánh chúng với người khác.
Thứ ba, những mối quan hệ bạn bè cũng là tác nhân gây ra tâm lý áp lực đồng trang lứa. Chúng ta có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Khi ở trong mối quan hệ độc hại, có sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau, thường xuyên so đo về thành tựu, thành công của nhau, chúng ta sẽ dễ hình thành nên áp lực. Vậy nên, việc cần làm là chọn cho mình một nhóm bạn có tư duy tạo ra động lực cho nhau, một mối quan hệ đoàn kết, luôn hỗ trợ nhau để tiến xa hơn về phía trước, tránh xa nhóm bạn tiêu cực.
Cuối cùng, quan trọng nhất, bản thân mỗi người phải luôn giữ vững quan điểm của mình, luôn nỗ lực, tạo động lực cho chính bản thân. Nếu bạn không tự mình cố gắng thì không ai có thể giúp các bạn. Tin bản thân mình làm được, không sớm thì muộn cũng sẽ đạt được mục tiêu, miễn là không bỏ cuộc, bạn chắc chắn sẽ làm được.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.