Sau nhiều năm phát triển ngàng công nghiệp, đất nước ta đã bắt đầu sản xuất được những sản phẩm có tính công nghệ và chất xám. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hoài nghi về mặt chất lượng sản phẩm trong nước, đôi khi ở mức rất kém. Nhiều người Việt thường có tâm lý chuộng đồ ngoại nhập, một phần nguyên nhân là hàng trong nước có chất lượng không tốt. Vậy nguyên nhân của việc kém chất lượng là gì? Tôi cho rằng vấn đề nằm ở khâu kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm trước khi chính thức đưa ra thị trường.
Xét về những sản phẩm có chất lượng cao, chúng ta thua các nước khác khá nhiều. Sở dĩ tôi biết tới vấn đề này vì bản thân cũng từng làm việc cho một công ty outsourcing (thuê ngoài) về phần mềm cho Nhật Bản. Ở Nhật, người ta rất chú trọng đến việc thử nghiệm sản phẩm trước đưa ra thị trường để bán. Mặc dù là công ty tôi chuyên về phần mềm nhưng kỹ năng về thử nghiệm thua kém khá xa các nước phát triển khi mà công việc này của họ được cập nhật kiến thức, công cụ, quy trình làm việc liên tục và rất chuyên nghiệp.
>> Chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt
Ai làm về công nghệ phần mềm sẽ thấy Việt Nam có một khoảng cách về công nghệ với những nước phát triển rất lớn dù đây là lĩnh vực có thể đi tắt đón đầu như công nghệ thông tin. Quan sát các sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, các bạn sẽ thấy rõ nhất điểm yếu này của hàng Việt. Ví dụ, có một hãng TV Việt làm ra sản phẩn có rất nhiều lỗi phần mềm, thậm chí không thể cập nhật trên kho của Google play mà phải tải riêng trong kho cũ của từ trang bảo hành của công ty với các phần mềm đã cũ, lỗi thời không phù hợp với hệ thống mới. Điều đó khiến nhiều người chưng hửng dù vẫn mang tâm lý ủng hộ hàng Việt ngay từ đầu.
Hay một sản phẩm anten truyền hình mặt đất xoay 360 độ, tôi từng lắp nhiều cái cho mấy người trong xóm ở quê vì họ thích truyền hình mặt đất để xem đá bóng. Tôi cũng mua về và lắp theo hướng dẫn, nhưng chỉ được mấy ngày đầu là chạy ổn, còn lại có vấn đề liên tục. Đầu tiên chính là tính năng quay của anten đã làm cho nó dễ bị gió thổi sai hướng, lệch đài tiếp sóng, lại phải xoay chỉnh lại. Tôi đã nghĩ cách khắc phục là lấy chốt và keo trám lại để nó không còn quay nữa.
Vấn đề tiếp theo chính là giắc cắm bằng thép rất lỏng lẻo, khi còn mới thì tiếp sóng được, nhưng dùng ít hôm là dẫn điện kém, lại phải căn chỉnh liên tục, thậm chí móp méo, rất khó chịu. Ngay cả dây anten bằng nhựa cũng dễ bị nứt khi nắng nóng, mưa vào theo nước làm gỉ sét hết dây dẫn. Anten chỉ dùng có vài ba tháng mà đã rụng hết các ốc vít nối, dây điện ra ngoài, nguyên nhân là sản phẩm không phải làm bằng nhôm nguyên chất chống gỉ sét mà là nhôm hợp kim.
>> Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'
Ngay tới chiếc nồi cũng vậy. Có một thời, người ta rộ lên việc dùng sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn sức khỏe... để ủng hộ nồi gốm sứ hàng Việt. Cuối cùng, sau khi mua về, có những nồi chỉ dùng được vài tháng là nứt vỡ hết dù giá thành của những chiếc nồi lên tới 300 nghìn đến hàng triệu đồng. Sau đó, người ta lại quay về dùng hàng nhôm và inox.
Từ đó, tôi nhận ra rằng, sản phẩm của người Việt đa số được tạo ra với mục đích để bán kiếm tiền chứ chưa thực sự vì mục đích phụng sự người dùng. Vì khâu kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm hầu như đã bị các nhà sản xuất trong nước bỏ qua. Nếu như nhà sản xuất nào thực sự sử dụng thử sản phẩm của họ, có quy trình thử nghiệm chặt chẽ... tôi tin chắc những lỗi cơ bản như trên phải được loại bỏ ngay trong quá trình sản xuất, trước khi đến tay người tiêu dùng.
Ở phương Tây, để cho ra một sản phẩm, người ta phải kiểm tra, thử nghiệm đủ thứ mới và chi phí cho hoạt động này cũng rất lớn. Ngược lại, những nước mới sản xuất hàng hóa, thường có xu hướng làm qua loa hoặc bỏ qua khâu kiểm nghiệm, dùng thử sản phẩm.
Nếu như người sản xuất có thể dùng chính chai nước mắm họ tạo ra, chắc chắn họ phải biết những bất tiện khi dùng sản phẩm với nắp không có vòi rót, hay việc làm văng, bay mùi sản phẩm ra ngoài... Và lúc đó, người ra sẽ biết cần phải bổ sung thêm những tính năng như có vòi rót chống đổ, hay có nắp kín chống mùi như các sản phẩm ngoại nhập.
Tuệ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.