Chuyện con tôm hùm đất này đã râm ran vài năm nay, tôi thấy thật bất bình. Con tôm càng đỏ ở ngay tại Mỹ không phải là món thủy hải sản mà đại chúng yêu thích. Tôi làm một cuộc phỏng vấn nhỏ từ người Mỹ cho đến người Việt ở đây thì phần lớn cho rằng "Con đó không biết thì ăn thử một lần cho biết rồi ... sẽ không ăn nữa vì chẳng ngon lành gì mà lại mất công quá!".
Dạo vòng các chợ ở các tiểu bang không thuộc vùng lân cận Louisiana, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy là không nhiều nơi bán mặt hàng này. Nếu có thì thường là thịt tôm chín đông lạnh thôi. Có rất nhiều lý do.
Thứ nhất tôm càng đỏ là một loại đặc sản địa phương ở miền Nam tập trung chủ yếu ở tiểu bang Louisiana, dùng trong ẩm thực Cajun. Thứ hai giá trị thương phẩm không cao vì nhìn con tôm thì có vẻ lớn nhưng phần thịt ăn được thì chẳng bao nhiêu (chỉ dưới 15%) mà lại cứng và dai. Thứ ba là để ăn con tôm này gỡ thịt còn khó hơn gỡ cua vì vỏ rất cứng. Vậy thử hỏi vì sao người Việt ta lại kháo nhau đây là đặc sản và mong muốn được ăn?
>> 'Tâm lý sính ngoại của người giàu Việt khiến trái cây ngoại đắt đỏ'
Câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến rất nhiều câu chuyện buồn cười và đau lòng về các mặt hàng được gắn mác là "đặc sản xách tay" từ khoai lang, dưa leo, rong nho giá cả từ một đến vài triệu đồng một kg hay trái dứa giá hơn một triệu đồng đến cặp xoài giá cả ngàn đôla. Hay những con cua giá cả năm triệu đồng. Những con số nghe thật khó tin nhưng lại tựu trung ở tâm lý sính ngoại của dân mình.
Ở thủ phủ trồng dứa của Australia thuộc tiểu bang Queensland, những trái dứa rất to rất đẹp nhưng nhiều nước, chua và rất nhiều xơ. Còn xoài Australia thì trồng để làm kiểng thôi vì trái rất sai nhưng hôi mủ và xốp nước, ăn xanh cũng không được mà ăn chín lại càng không.
Các đồng nghiệp nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam đã mê mẩn ăn dứa, đu đủ, xoài và đa dạng các loại trái cây nhiệt đới của ta. Tại Mỹ, dứa chỉ được nhập từ các nước Nam Mỹ chất lượng cũng dần được cải thiện, ngọt hơn và ít xơ hơn. Những ngày ở Australia và những năm đầu ở Mỹ, tôi thèm da diết miếng xoài thơm lịm ngập răng, miếng dứa ăn miếng nào ngọt miếng đó. Tôi bỗng thấy ngậm ngùi khi nghe ở nhà người ta sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua những món mà nếu không đi ra ngoài bạn sẽ không biết là nó không bằng "đồ nhà". Tương tự là khoai lang mật Đà Lạt hay quả bưởi da xanh hay quả vải quả nhãn mùa hè. Hay như con cua Cà Mau hay con ghẹ Vũng Tàu, công bằng mà nói thịt ngon hơn nhiều cua tuyết Alaska. Thế nhưng mọi người cứ nghĩ là đồ nhà không ngon. Thế mới sinh ra chuyện những mặt hàng đó về Việt Nam rất sốt, rất nóng và giá cả đã bị thổi phồng rất vô lý.
Quay trở lại với chuyện con tôm hùm đất, chúng ta có con tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ thịt chắc và ngon, tỷ lệ thịt cao, giá trị thương phẩm và giá trị xuất khẩu cao. Thế nhưng chúng ta lại "sốt" với con tôm hùm đất vì nó có mác ngoại, và đã không lường trước được hậu quả khắc nghiệt mà nó có thể gieo rắc vào nông nghiệp nước nhà như con ốc bươu vàng ngày trước.
Ở thị trường các nước như Mỹ, Australia, các mặt hàng đặc sản đặc trưng nhập vào cũng chỉ để phục vụ cho số ít những kiều bào của những đất nước hay khu vực đó mà thôi. Đa phần chúng được phân phối qua các chợ, siêu thị dành cho kiều bào hoặc tập trung ở các khu dân cư có đông kiều bào nước đó sinh sống. Còn các chợ phục vụ đại chúng thì đôi khi có những sản phẩm này nhưng nhìn chúng không được tươi ngon và bắt mắt. Sản phẩm cũng không trưng bày ở vị trí đẹp như các mặt hàng bình dân phổ biến cho đối tượng khách hàng đại chúng của họ. Thế nhưng ngay tại đất nước mình, người dân mình lại không trân trọng những đặc sản mà thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta.
Bà con ta từ lâu mang tư tưởng là đồ ngoại là phải ngon phải tốt. Điều đó có thể đúng ở những khía cạnh nào đó nhưng về các sản phẩm nông nghiệp tươi sống này có lẽ chúng ta nên suy nghĩ lại giống như câu "đi xa để trở về".
Từ lâu chúng ta đã mặc định và có phần rẻ rúng những thứ đặc sản quê nhà để đề cao những thứ gắn mác ngoại mà không biết rằng đồ ngoại nhiều khi dở hơn nhiều. Ngoài chuyện ăn để thử để biết, hình như người ta ăn còn để mang tiếng sang hay sao ấy? Vậy những ai ăn sang khi ra nước ngoài, các món mà họ bỏ tiền triệu ra ăn ở Việt Nam có bao giờ được bày lên bàn ăn sang ở đó không? Thử hỏi?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.