"Một phần trong hành trình của Nhóm tác chiến Tàu sân bay 21 (CSG-21) là đi qua Biển Đông và tổ chức loạt diễn tập trên biển, thăm cảng và gặp gỡ trực tuyến với các nước ASEAN, bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan", đại sứ quán Anh tại Việt Nam ngày 5/8 trả lời VnExpress về mục đích chuyến đi tới Biển Đông của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và các chiến hạm hộ tống.
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth ngày 26/7 tiến vào Biển Đông và diễn tập với tàu hải quân Singapore trên vùng biển quốc tế phía nam khu vực này. Tàu sân bay Queen Elizabeth và các chiến hạm hộ tống sau đó tiến sâu vào Biển Đông rồi vượt eo biển Luzon sang Biển Philippines hôm 2/8.
Đại sứ quán Anh cho biết nhóm tác chiến Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do nước này coi đây là khu vực "rất quan trọng về kinh tế và an ninh, đồng thời là trọng tâm trong các cuộc thảo luận về luật pháp, quy tắc và thông lệ quốc tế".
"Cũng như Việt Nam, Anh quan tâm rất lớn tới an ninh hàng hải. Chúng ta đều muốn đảm bảo rằng có thể bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nước, từ quyền đánh cá và tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Các quyền này đã được khẳng định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)", đại sứ quán Anh cho biết.
Cơ quan này cho hay Anh có lợi ích lâu dài trong khu vực cùng nhiều mối quan hệ song phương quan trọng, nên việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth tới khu vực này trong hải trình đầu tiên là "lựa chọn tất yếu".
"Đợt triển khai nhằm thể hiện năng lực hiện đại và khả năng hoạt động ở mọi nơi trên toàn thế giới của Anh. Dù hải quân Anh hoạt động ở đâu, họ đều tuân thủ đầy đủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế, đồng thời thực hiện các quyền tự do hàng hải và hàng không do UNCLOS quy định".
Tuy nhiên, đại sứ quán Anh nhấn mạnh đợt triển khai này không nhằm gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khẳng định Anh đã giải thích với phía Trung Quốc rằng đợt triển khai tàu sân bay là "dấu hiệu thể hiện cam kết của London với an ninh khu vực".
Phía Anh nhấn mạnh lập trường lâu dài và không thay đổi là "không nghiêng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền" tại Biển Đông, khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế cùng tự do hàng hải và hàng không.
"Anh khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình qua các cơ chế pháp lý hiện có, đặc biệt là UNCLOS", đại sứ quán Anh cho biết.
Nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến châu Á hôm 22/5, với lịch trình thăm 40 quốc gia và tham gia hơn 70 đợt phối hợp trên biển. Trên đường trở về Anh sau hải trình, nhóm tác chiến Queen Elizabeth dự kiến tham gia diễn tập Bersama Lima vào tháng 10 với Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore.
Tàu sân bay này được khởi đóng tháng 7/2009 và hạ thủy sau đó 5 năm. Chiến hạm mang tên nữ hoàng Elizabeth I, sống vào thế kỷ 16-17, người từng lãnh đạo hải quân Anh đánh bại hạm đội Tây Ban Nha trong trận hải chiến Gravelines. Hải quân Anh biên chế tàu sân bay Queen Elizabeth tháng 12/2017.
Chiến hạm có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 280 m, có thể chở theo khoảng 65 máy bay các loại gồm tiêm kích F-35B và trực thăng hải quân, được trang bị 3 tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Phalanx và 6 cụm súng 6 nòng xoay 7,62 mm.
Nguyễn Tiến